Hôm qua (21/1), Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. 1.510 đại biểu chính thức thay mặt hơn 4,5 triệu đảng viên, tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, đã về dự Đại hội.

Đổi mới, phát triển đất nước toàn diện

Theo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) Đảng khóa XI về các Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, 30 năm đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Qua 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đồng thời, cũng có nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”.

Thành tựu, những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ. Theo Tổng Bí thư, thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

5 năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ, thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần đoàn kết một lòng, quyết tâm: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN.

Cùng với đó, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Gìn giữ hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền

Đối với công tác xây dựng Đảng, 5 năm qua, Đảng ta đã giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, kiên định đường lối đổi mới; xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

“Đạt được những kết quả đó là do Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt; đa số cán bộ, đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ vững phẩm chất đạo đức; vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; thu hút sự tham gia của hệ thống chính trị và nhân dân vào việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm như tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn khá phổ biến trong phê và tự phê bình; một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm trong công việc được giao. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước...

Chính vì vậy, những năm tới phải chú trọng xây dựng Đảng về chính trị; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. “Tập trung thực hiện mục tiêu: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”, Tổng Bí thư lưu ý và nói “tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng, hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”.

Bên cạnh đó, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

 

6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII

Đó là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội...

 

 

Thảo Nguyên