Chiều ngày 22/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND đối với cấp xã loại II.

Riêng về quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, trong quá trình thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội còn phân tán trong lựa chọn phương án. 

Vì vậy,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến. Kết quả tổng hợp thấy, các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất đề nghị trong lãnh đạo HĐND cấp tỉnh nên duy trì tối thiểu là 2 đại biểu hoạt động chuyên trách để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND trong điều kiện đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương hiện nay.

Để thống nhất trong việc thiết kế các quy định về số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã chỉnh lý như sau: nếu Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch HĐND/Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch HĐND/Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với các quy định nêu trên, tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương không bị giảm đồng loạt số lượng cấp phó mà tùy thuộc vào việc bố trí đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở địa phương đó, trong bất kỳ trường hợp nào thì HĐND và Ban của HĐND cấp tỉnh vẫn được bố trí 2 vị trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách.

Hiện nay, hầu hết các địa phương đều bố trí chức danh Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm (Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm), còn Trưởng ban của HĐND cũng đa số hoạt động kiêm nhiệm, rất ít địa phương bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách.

“Vì vậy, quy định về số lượng cấp phó của HĐND, Ban của HĐND cấp tỉnh như dự thảo Luật sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc bố trí cán bộ mà vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và các Ban của HĐND. Trong trường hợp Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì vẫn có thể giảm được cấp phó theo chủ trương của Trung ương”, báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Sau khi nghe báo cáo giải trình, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành điều này.

Liên quan đến số lượng đại biểu HĐND trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị giảm số lượng đại biểu HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính để thực hiện chủ trương chung của Đảng, tiến tới tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Còn cách xác định số lượng đại biểu và thẩm quyền quyết định số lượng đại biểu HĐND cụ thể thì vẫn như quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Theo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bản thân luật hiện hành khi quy định về số lượng đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính cũng đã tính đến đặc thù của những địa phương có dân cư đông, diện tích lớn.

Vì vậy, theo quy định của dự thảo luật, các tỉnh, TP lớn, đông dân như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ có số lượng đại biểu HĐND cao hơn các tỉnh, thành phố khác.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định về việc giảm 10 - 15% số đại biểu HĐND các cấp như dự thảo luật.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Từ ngày luật này có hiệu lực cho đến khi bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng đại biểu HĐND tại các đơn vị hành chính, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của Ban của HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13.

Hương Giang