Sáng ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Một trong những vấn đề được quan tâm là có giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.

Chỉ 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh riêng việc đi họp đã thiếu người

Cho ý kiến ĐB Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) đề nghị, giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách.

Theo bà, nhiệm vụ của HĐND tỉnh, trong đó nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh có 10 nhóm nhiệm vụ, chưa kể còn những nhiệm vụ khác.

“Với xu hướng hiện nay, chính quyền cấp trên thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới, mà phân cấp tức là phân quyền. Do vậy, tăng cường giám sát là hết sức cần thiết”, bà Hằng nói.

Bà Hằng cho rằng, nếu chọn quy định “lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 ĐB hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là ĐB hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là ĐB hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách” thì lại có 2 phương án xảy ra.

“Nếu như Chủ tịch là ĐB hoạt động chuyên trách mà chỉ có 1 Phó Chủ tịch là ĐB hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp chỉ 1 Phó Chủ tịch cũng rất thiếu người”, ĐB đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh.

Từ đó, bà Hằng đề nghị, quy định rõ, HĐND cấp tỉnh có 1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách. Tương tự, có 2 Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách.

“Như thế rất rõ, ta không nên đưa ra phương án nếu - thì trong luật”, bà Hằng phát biểu.

Chung quan điểm, ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, mỗi tỉnh có hai Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách không phụ thuộc Chủ tịch chuyên trách hay kiêm nhiệm.

Đưa ra lý do, theo ĐB đoàn TP Hà Nội, trong định hướng của Đảng dự kiến đa số Bí thư sẽ là Chủ tịch HĐND, trường hợp chuyên trách là tình huống không phổ biến, không kéo dài. Hơn nữa, giám sát đòi hỏi chuyên môn cao, với hai Phó Chủ tịch mới đủ chuyên môn sâu để thực hiện giám sát, khi đó mới có hiệu quả.

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, ông Hiểu đồng ý “dứt khoát phải giảm, chỉ còn 1”.

Nhân dân thì nóng, hội trường HĐND thì rất lạnh

Dù vậy, theo quan điểm của ông Hiểu, khi bàn giảm hay tăng ĐB hoạt động chuyên trách thì giảm chỗ nào cần giảm, chỗ nào cần giữ thì phải giữ

“Quan trọng nhất là chúng ta phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm ĐB HĐND, đây mới là cái gốc của vấn đề. Nếu không dù tăng biên chế, giữ nguyên hay thế nào thì cũng không giải quyết được.

Ngoài ra, có thể dẫn đến việc rất phản cảm mà có nhiều nơi người ta dùng đến từ “nghị gật”, tức là ĐB không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được. Nhân dân thì nóng, hội trường HĐND cấp huyện, xã thì rất lạnh, không có ĐB nào có ý kiến gì cả”, ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu ở nghị trường.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thì cả hệ thống chính trị đều phải làm.

“Nhưng tinh giản biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả không có nghĩa là giảm cào bằng mà phải căn cứ vào nhiệm vụ từng cơ quan”, bà Quyết Tâm nói và lưu ý, có nơi cần giảm nhưng có nơi phải tăng, không máy móc cào bằng.

Theo bà Tâm, để tăng chất lượng hoạt động của HĐND thì phải tăng số lượng ĐB chuyên trách. Vì vậy, bà đề nghị cân nhắc tăng biên chế chuyên trách ở HĐND cấp tỉnh.

“Chủ tịch HĐND tỉnh có thể chuyên trách hoặc không tuỳ thuộc tình hình cụ thể nhưng phải có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách. Nếu Quốc hội thấy khó quá về biên chế thì cũng không nên cào bằng các tỉnh, TP”, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nói.

Từ thực tế, bà Tâm cho biết, ở những tỉnh, TP lớn, dân số đông thì số lượng đại biểu HĐND đông. Tương tự là số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh. Như ở TP Hồ Chí Minh có 2 Phó Ban chuyên trách là cần thiết, giảm thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực hoạt động của các ban chuyên trách và hoạt động thẩm tra, giám sát.

Hương Giang