“Chưa phát hiện trường hợp lạm dụng tín nhiệm quỹ bảo trì chung cư”

Chiều qua, ĐB Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) chất vấn về việc phần diện tích sử dụng chung ở tòa nhà chung cư nhưng bị chủ đầu tư chiếm.

Nội dung thứ 2 là chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự tội lạm dụng tín dụng quỹ bảo trì tòa chung cư.  

“Theo Điều 176 của Luật Nhà ở, Thanh tra Xây dựng có trách nhiệm thanh tra việc quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về nhà ở. Xin hỏi Bộ trưởng, Thanh tra Xây dựng đã thanh tra và phát hiện để làm 2 việc này chưa”, ĐB hỏi.

Trả lời ĐB sáng ngày 5/6, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin, việc này Thanh tra ngành Xây dựng đã biết, nên Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, trong đó có quy định về xử lý vi phạm hành chính về hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng chung của nhà chung cư…

Với chủ đầu tư, ngoài bị xử phạt bằng tiền từ 250 -300 triệu đồng, còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Theo Bộ trưởng, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 92 dự án chung cư; xử phạt vi phạm hành chính 5,5 tỷ đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 2 chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích chung nhà chung cư.

“Qua thanh tra chưa phát hiện trường hợp lạm dụng tín nhiệm quỹ bảo trì chung cư”, Bộ trưởng cho biết, đến nay chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra

Không hài lòng, giơ biển tranh luận lại, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ nêu, hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư đã cấu thành tội phạm mà nặng nhất là khoản 4 Điều 175 Bộ Luật Hình sự. Việc Thanh tra Xây dựng không phát hiện ra chứng tỏ “hoặc là năng lực yếu hoặc không làm hết trách nhiệm”.

Còn chuyện tự chuyển đổi công năng phần diện tích chung ở nhà chung cư, ĐB đề nghị, Bộ trưởng nhìn nhận lại để bảo vệ cho người nghèo chứ không phải bảo vệ cho chủ đầu tư và người giàu.

“Dân chiếm đoạt 5 triệu thì xử hình sự, chủ đầu tư hiện chiếm đoạt hàng chục tỷ quỹ bảo trì ở 1 tòa chung cư thì không bị xử lý hình sự trong khi tội phạm đã hoàn thành và đang kéo dài”, ông Nguyễn Mai Bộ kết thúc tranh luận.

Du lịch tâm linh kết hợp thương mại dịch vụ chiếm hàng nghìn ha đất

Cũng trong sáng nay, trả lời chất vấn của ĐB Trương Trọng Nghĩa về quy hoạch những khu du lịch tâm linh chiếm hàng nghìn ha đất, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà viện dẫn các quy định tại Luật Đất Đai, Luật Tín ngưỡng tôn giá, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, pháp luật bảo vệ môi trường…

“Các địa phương thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật thì sẽ kiểm soát được việc đầu tư khu du lịch tâm linh, tránh được hiện tượng như ĐB đã nêu. Bộ Xây dựng sẽ bổ sung quy chuẩn để bảo đảm sử dụng đất hợp lý trong quy hoạch các khu du lịch”, Bộ trưởng nêu.

Sau câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Phạm Văn Hòa cũng giơ biển tranh luận lại. Các ĐB nhắc lại nội dung chất vấn chiều ngày 4/6.

Do kết thời gian, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời các ĐB bằng văn bản.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà

Chiều qua, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt vấn đề, việc đầu tư xây dựng các công trình tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã và đang hình thành, chiếm cả ngàn ha đất. Tuy nhiên, vẫn chưa rạch ròi giữa đất dành cho tâm linh và đất thương mại dịch vụ, sau này có thể biến tướng do điều chỉnh quy hoạch.

“Bộ trưởng cho biết việc quy hoạch ngàn ha như vậy có nên không? Dân thì thiếu đất sản xuất, đất thì hữu hạn, các nước khác có như Việt Nam chúng ta không?”, ĐB Hòa chất vấn.

Bộ trưởng “hứa” sẽ có quy định cụ thể

Trả lời ĐB Hòa, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, dự án tâm linh kết hợp du lịch sinh thái đã có quy định điều chỉnh bởi Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và pháp luật liên quan.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, chủ yếu kiểm soát các dự án kết hợp mục đích tâm linh, tôn giáo bằng Giấy phép xây dựng.

“Trong giấy phép xây dựng có quy định cụ thể việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật và có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước tôn giáo địa phương”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, trong các quy định pháp luật chưa cụ thể dự án loại này nằm trong quy hoạch du lịch hay quy hoạch đô thị nên một số địa phương vận dụng không thống nhất.

 “Chúng tôi sẽ có quy định cụ thể hơn để đảm bảo phân biệt rõ ràng đất dành cho mục đích tâm linh, đất dành cho du lịch và mục tiêu khác để đảm bảo quản lý, sử dụng đất chặt chẽ và xử lý các vấn đề tài chính hiệu quả”, Tư lệnh ngành Xây dựng nói.

Chưa hài lòng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) tiếp tục chất vấn, rất nhiều cử tri quan tâm và rất nhiều bài báo viết về tình trạng khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm ha nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài nghìn ha, có trường hợp được cấp chục nghìn ha, “nhập nhằng” giữa công và tư.

“Có ý kiến cho rằng nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư nhưng Nhà nước bỏ ra chục ngàn ha đất đai rừng biển thực ra là có sự đầu tư lớn tài sản công và sau đó thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân.

Vậy, quy hoạch những khu du lịch tâm linh với diện tích lớn vậy có kiểm soát được không? Việc khai thác có công bằng hợp lý không và đúng pháp luật hay không”, ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh nêu.

Hương Giang