Xử lý nghiêm một người để cứu muôn người

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã xuất hiện lây lan trong cộng đồng và sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện hoặc các trường hợp xâm nhập có mang virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng.

Báo cáo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia cho thấy, có tới 60,1% không có triệu chứng khi phát hiện, điều này gây khó khăn cho việc phòng chống. Nếu tính hệ số lây nhiễm là 2,5 (1 người lây cho 2,5 người), ước tính số nhiễm Coivd-19 ở cộng đồng sẽ khá cao.

Nhận định tình hình dịch có nguy cơ bùng phát, mới đây (27/3), Thủ tướng đã ban hành Chị thị 15 thực hiện các biện pháp khắt khe nhất, coi như “tiền khẩn cấp”, thực hiệ đợt cao điểm chặn Covid-19.

“Tinh thần phải cách ly, giãn khoảng cách, không được tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh các ổ dịch kịp thời. Chỉ thị 15 được triển khai thực hiện nghiêm túc, cung ứng dịch vụ cho người dân bảo đảm cuộc sống. Bước đầu xử lý nghiêm vi phạm, như Hà Nội đã phạt 200.000 đồng 1 cá nhân không đeo khẩu trang”, Thủ tướng đánh giá.

Nhấn mạnh yêu cầu “xử lý nghiêm một người để cứu muôn người”, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý nghiêm hành vi khai báo vòng vo, không trung thực của bệnh nhân số 178 để răn đe, giáo dục với nhiều người khác.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, cần tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ khi làm việc. Các tỉnh, TP cần tăng cường cơ sở vật chất, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ cán bộ y tế, những người phục vụ trực tiếp trong quân đội, công an và các lực lượng khác.

Phân lập tuyệt đối vùng có với vùng chưa lây nhiễm

“Đây là “giờ vàng”, “ngày vàng” nên cần tập trung chỉ đạo cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chúng ta đã có 12 ngày đêm chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.

Lãnh đạo Chính phủ còn nhắc lại tinh thần trong bức điện từ Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu vận dụng tinh thần này vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta.

Thủ tướng lưu ý, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, cần xác định cụ thể các giải pháp phù hợp cho từng địa bàn, khu dân cư. “Ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện (BV), khu đô thị mới với mật độ chung cư cao, đầu mối giao thông vận tải…”, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, phải bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người nhiễm để ngăn chặn ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch. Phương châm “4 tại chỗ” phải được vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng nơi. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn là thực hiện giới nghiêm, thiết quân luật. Thủ tướng sẽ báo cáo Bộ Chính trị và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần là sẵn sàng chủ động.

Hiệp đồng, lên phương án tác chiến cụ thể

Với tính bất trắc cao trong diễn biến của dịch, theo Thủ tướng, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, lãnh đạo các tỉnh, thành cần đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình, có phương án tác chiến cụ thể. Quan trọng nhất lúc này là trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, tất cả cùng hiệp đồng, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra trên từng địa bàn.

“Có như vậy, chúng ta có niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh lại tinh thần “hiểu ta, hiểu địch, trăm trận, trăm thắng”.

Thủ tướng cũng đồng ý tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong 15 ngày; dừng các chuyến bay chở khách đến Việt Nam; hạn chế tối đa các chuyến bay đến và đi từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các sân bay các tỉnh trong 2 tuần tới, trừ một số chuyến đặc biệt. Đồng thời, phải chốt chặn, hạn chế các chuyến tàu, ô tô vận chuyển hành khách. 

Ngành Y tế, Quân đội, Công an và các địa phương được yêu cầu phải quan tâm hơn đến sự an toàn của các cán bộ đang trên tuyến đầu chống dịch; không để lây nhiễm chéo. Các lực lượng này cũng phải đề phòng lây nhiễm trong nội bộ. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gương điển hình, huy động lực lượng y bác sĩ đã về hưu để chia sẻ gánh vác khi cần thiết.

Thủ tướng còn đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Chỉ thị 15 để nhân dân hiểu được, dự báo được những tình huống xấu nhất, chuẩn bị phương án tốt nhất và hạn chế thấp nhất hậu quả, tránh hiểu sai, hiểu nhầm, lợi dụng xuyên tạc, gây hoang mang tâm lý trong nhân dân. 

“Làm sao từng người dân hiểu rõ, đồng tâm ủng hộ lãnh đạo chính quyền các cấp và Chính phủ trong đợt cao điểm này”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Vận dụng tinh thần “dù cho bão táp mưa sa/khách lạ đến nhà phải báo công an”

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, giai đoạn này việc đi lại, tiếp xúc của người dân cần được quản lý theo tinh thần của kinh nghiệm phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ chiến tranh là: “Dù cho bão táp mưa sa/khách lạ đến nhà phải báo công an”.

“Tức, người ở nơi khác đến thì lập tức chính quyền địa phương, thôn, ấp phải biết, nắm được và thông tin cho lực lượng y tế, đề nghị thực hiện các quy định đề ra”, ông Sơn nói và cho rằng, nếu thực hiện yêu cầu này cũng chính là thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

“Chính quyền phải quản lý người dân; cơ quan phải quản lý cán bộ, công nhân viên; doanh nghiệp quản lý công nhân, chuyên gia; gia đình phải quản lý từng thành viên của mình. Có như vậy thì yêu cầu cách ly mới được thực hiện đến nơi đến chốn”, Thứ trưởng nhấn mạnh và đề nghị Giám đốc Công an các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. 

Phải tìm cho được 40.000 người vào, ra BV Bạch Mai

BV Bạch Mai được đánh giá là ổ dịch phức tạp nhất, lớn nhất hiện nay. Thậm chí, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, dịch bệnh ở BV Bạch Mai còn phức tạp hơn 3 BV nằm ở Daegu (Hàn Quốc), Lombardy (Ý) và New York (Mỹ). 

Trước điều này, Thủ tướng yêu cầu, ngay lập tức, bằng giải pháp công nghệ phải tìm được 40.000 người đã vào, ra BV Bạch Mai trong những ngày qua để theo dõi, xử lý cụ thể từng trường hợp. 

Liên quan đến ổ dịch tại BV Bạch Mai, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện có hai vấn đề cần lo lắng là tìm nguồn truyền nhiễm nghiêm trọng từ Công ty Trường Sinh và mạng lưới chăm sóc người bệnh ở các BV. 

Ông Long cho hay, một trường hợp ở công ty này về Thái Nguyên, một trường hợp về Hà Nam thì đều dương tính. “Chúng tôi đề nghị Bộ Công an tiến hành khoanh vùng công ty này, nếu không sẽ lây lan rất mạnh”, Thứ trưởng Y tế lưu ý. 

“Chúng tôi đã làm việc với BV Bạch Mai để trích xuất camera, rà soát tất cả xe ra vào BV từ ngày 12/3 đến nay để truy vết tất cả nhân viên y tế và những người tiếp xúc”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói thêm, đồng thời mong muốn các địa phương phối hợp trao đổi để thực hiện việc này.

Mạng xã hội cơ bản đồng lòng chống dịch

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lượng thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh rất lớn, khoảng 7.000 tin trên báo chí và 80.000 tin trên mạng xã hội. 

Theo ông Hùng, báo chí vẫn là kênh có lượng người đọc nhiều, tin sâu, bám sát chỉ đạo của Chính phủ. Còn mạng xã hội cơ bản đồng lòng chống dịch. Việc nhắn tin vừa qua cũng rất hiệu quả, nhanh, rõ ràng, đến từng người.

Nhấn mạnh thời gian vừa qua các cơ quan báo chí đã làm tốt, Thủ tướng đề nghị, thời gian tới cần làm tốt hơn nữa, nhất là khi sự nhân ái trong xã hội đã được nhân lên như một cụ bà gần 80 tuổi ủng hộ 1 triệu đồng phòng, chống dịch hay có em bé ủng hộ cả tiền mừng tuổi... Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu, cần xử lý nghiêm thông tin thất thiệt trên mạng xã hội như trường hợp loan tin có người tử vong vì Covid-19.

Hương Giang