Sáng ngày 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các bộ, ngành trong việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và tình hình chuẩn bị các nội dung báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Các cơ quan được kiểm tra gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Cắt giảm thực chất hay “cắt cái nọ, móc cái kia”?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho hay, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến yêu cầu cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn.

Trong các phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc, cải cách phải thực chất, tránh bệnh hình thức.

“Cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính là vấn đề rất quan trọng. Không phiên họp nào Thủ tướng không nhắc, với rất nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu đi vào hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, coi đây là vấn đề quan trọng tạo dư địa cho tăng trưởng”, Bộ trưởng cho biết.

Theo ông Mai Tiến Dũng, các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Còn trong 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.

“Trước khi đi công tác châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra công tác này”, ông Dũng phát biểu, cuộc kiểm tra lần nay sẽ rất cụ thể với 4 bộ.

Bộ trưởng ví dụ, Bộ Giao thông Vận tải có các phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng đến nay đã hơn 4 tháng vẫn chưa xong.

“Chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng hôm nay mời nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để minh chứng việc cắt giảm có thực chất không hay gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ, mọc cái kia. Tất nhiên tình trạng này nếu có thì cũng là số rất ít, nhưng tinh thần là rất minh bạch”, Tổ trưởng Tổ Công tác nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, từ khi thành lập đến nay, Tổ Công tác đã thực hiện 57 cuộc kiểm tra, góp phần đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, thay vi tiền kiểm đã chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. 

Điển hình tiêu biểu là Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chuyển 279/299 mặt hàng sang hậu kiểm, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Tiếp đó, đã giảm cơ bản danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chồng chéo. 

Năm 2017, các doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho kiểm tra chuyên ngành với trên 100.000 mặt hàng phải kiểm tra, nhưng chỉ phát hiện 0,06% số lô hàng có vi phạm, tức là tỷ lệ rất thấp.

“Trước đây, có mặt hàng do 4 bộ kiểm tra, có mặt hàng do 2, 3 cơ quan trong một bộ kiểm tra, nhưng nay mỗi mặt hàng chỉ giao 1 bộ và 1 đơn vị của bộ, không còn chồng chéo như trước”, ông Mai Tiến Dũng thông tin.

Kiểm tra nhiều, phát hiện vi phạm chỉ… 0,06%

Các bộ cũng đã đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau, công nhận kết quả kiểm tra của các đơn vị, đối tác nước ngoài. Cùng với đó, đã đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kiểm tra, có cả các doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Ông Dũng dẫn chứng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ủy quyền cho 14 đơn vị kiểm tra chất lượng phân bón; Bộ Công Thương chỉ định 11 đơn vị kiểm tra về an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu. Đây là tiến bộ lớn vì trước đây, nhiều trường hợp doanh nghiệp phải “từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam” chỉ để làm thủ tục kiểm tra.

Toàn cảnh buổi kiểm tra

Ngoài ra, hầu hết danh mục hàng hóa được ban hành gắn với mã HS; nhiều bộ đã tích cực điện tử hóa thủ tục kiểm tra, tích cực tham gia cơ chế một cửa; số tờ khai hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã giảm.

Bộ trưởng cũng chỉ ra, những tồn tại trong công tác này. Trước hết, là nhiều cơ quan chưa áp dụng quản lý rủi ro; tần suất kiểm tra còn cao trong khi tỉ lệ kiểm tra phát hiện ra vi phạm rất thấp (0,06%), tức là không khác gì năm 2017, không có tiến bộ.

“Chúng ta đã giao ước với nhau rằng, mặt hàng 3 lần liên tiếp trong 12 tháng đạt yêu cầu, đơn vị tuân thủ tất cả các điều kiện thì lần thứ 4 miễn kiểm tra. Chúng ta nói như thế, nhưng khi hàng hóa xuất nhập khẩu về vẫn kiểm tra”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, hàng hóa không thông quan được, chậm thông quan là do thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thêm vào đó, tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra còn lớn, vẫn chiếm tới 19,4% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu; việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn chậm, 3 bộ chưa cải cách mạnh mẽ nội dung này.

Trong cơ chế một cửa, một cửa ASEAN mới có 53/283 thủ tục được kết nối, tỷ lệ rất thấp, “chưa nói đến việc đã kết nối rồi nhưng khi làm thủ tục lại tắc, nghẽn, do công nghệ một phần nhưng cũng có thể do con người nữa”, ông Dũng lưu ý.

Còn vấn đề cắt giảm các điều kiện kinh doanh, một số bộ cũng chậm thực hiện được. “Ví dụ Bộ TT&TT chậm là do không thực hiện một nghị định sửa nhiều nghị định theo thủ tục rút gọn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc.

Thông điệp cải cách không chỉ dừng lại ở các bộ

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề, cả xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào những cải cách của Chính phủ.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung

“Họ vừa kỳ vọng nhưng cũng rất nghi ngờ, nghi ngờ không biết có làm thật hay không? Cũng có dư luận nói Chính phủ, các bộ bị bệnh thành tích, tuyên bố thế nhưng chưa thay đổi được. Đó là lo lắng, nhưng theo tôi cũng hợp lý”, ông Cung nói.

Phân tích cụ thể lý do “nghi ngờ”, theo Viện trưởng CIEM, chúng ta đặt mục tiêu cắt, giảm 50% điều kiện kinh doanh, thì có thể chỉ 10% cắt bỏ, 40% đơn giản hóa. Như vậy, tác động ngay chỉ 10%. Trong khi đơn giản hóa lại phụ thuộc vào quá trình thực hiện ở bên dưới.

“Số cắt giảm hiện nay có một bộ phận hình thức, nên không có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp”, ông Cung nói và đề nghị, trong kiểm tra chuyên ngành phải chuẩn hóa được hồ sơ, thủ tục, sau đó mới đưa công nghệ vào áp dụng.

“Thời gian vừa rồi, các bộ, đặc biệt là các Bộ trưởng đã thực sự quan tâm đến cải cách điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành cũng như những cải cách khác. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được như kỳ vọng vì phần sửa đổi tương đối nhiều, phần bãi bỏ ít hơn”, ông Cung nhận định.

Vì vậy, ông đề nghị, Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá thật đầy đủ về mức độ cải cách, để đặt nền tảng cho những cải cách tiếp theo.

“Thông điệp cải cách không chỉ dừng lại ở các bộ ở Trung ương mà phải chuyển tải xuống được các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương vì chúng tôi đi khảo sát thấy vẫn có tình trạng thực sự cố tình gây khó cho doanh nghiệp”, ông Cung nêu.

Viện trưởng CIEM chốt lại, “phải chứng minh được chúng ta làm thực chất”.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Tổ trưởng Tổ công tác một lần nữa nhắc lại tinh thần chỉ đạo “rất nghiêm” của Thủ tướng Chính phủ và nhấn mạnh, “những nỗ lực cắt giảm hành chính, điều kiện kinh doanh vừa qua của các bộ đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Nhưng việc làm này cần tiếp tục và thực hiện rốt ráo hơn tới đây".

Tổ công tác ghi nhận 7 bộ đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Công Thương đã cắt giảm 402/702 dòng hàng, Bộ TT&TT cắt giảm 89/146 dòng hàng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cắt giảm 33/33 dòng hàng, Bộ KH&CN cắt giảm 22/24 dòng hàng, Bộ Giao thông Vận tải cắt giảm 80/134 dòng hàng, Bộ Xây dựng cắt giảm 33/64 dòng hàng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm 38/74 dòng hàng.

Còn vấn đề cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Tổ công tác cho biết cũng có 7 bộ vượt chỉ tiêu đề ra. Đó là Bộ Công Thương cắt 675/1.216 điều kiện, Bộ Xây dựng (183/215), Bộ Tài nguyên và Môi trường (101/163), Bộ Giáo dục và Đào tạo (121/212), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (60/112), Bộ NN&PTNT (172/345), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (63/122).

Hương Giang