Sáng ngày 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.

Nợ xấu 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%

Theo ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu rất khó khăn. Thực tế, có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án dân sự.

“Vậy TCTD thu hồi tài sản phải làm thế nào, họ tự làm hay thuê lực lượng khác, cần có cơ chế rõ ràng. Hơn nữa, trong quá trình thu hồi tài sản nếu có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thì giải quyết thế nào? Cần làm rõ những vấn đề này trong Nghị quyết nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ vào vòng luẩn quẩn và Nghị quyết sẽ không có hiệu quả trong thực tế”, bà Trang nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Văn Thắng (TP Hà Nội) cho rằng, trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nợ xấu phát sinh là tất yếu, còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu.

Qua số liệu thống kê cho thấy, tại Việt Nam nợ xấu phát sinh đột biến từ năm 2012 với con số lên đến 17% và tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo. Nnguyên nhân chủ yếu là từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, của chứng khoán và nền kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoạn trước đó.

Theo ĐB Thắng, mặc dù hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nhưng nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu rất lớn, khoảng xấp xỉ 600 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Và trong 600 nghìn tỷ này, 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%.

Cho nên, việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động TCTD mà là bảo vệ cho người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống TCTD.

“Làm sao chúng ta vận hành đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, khi nguồn lực còn rất hạn chế. Con số này chúng ta có thể xây dựng được 3 sân bay Long Thành mà Quốc hội đã bàn với con số trên 200 ngàn tỷ thôi chúng ta đã thấy rất khó khăn rồi”, ông Thắng nhấn mạnh.

VAMC chỉ là “nhà kho” giữ nợ xấu

ĐB Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, về bản chất VAMC (Công ty Quản lý tài sản các TCTD) chỉ là “nhà kho” tạm giữ nợ xấu, vì chi phí trích lập dự phòng và áp lực chồng tiền mặt vẫn thuộc về các TCTD.

ĐB Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TN

“Nợ xấu của nền kinh tế nước ta là có tài sản bảo đảm, bán một ngân hàng hay bán một TCTD rất khó, vì khi bán cho nước ngoài thì đụng trần tỷ lệ nắm giữ của nước ngoài. Các TCTD và doanh nghiệp trong nước thì nguồn lực nhỏ lẻ không đủ sức để mua. Nếu bán từng món nợ xấu có tài sản bảo đảm để lành mạnh thị trường là hướng đi phù hợp và cấp thiết”, ĐB Quốc phân tích và thống nhất Quốc hội cần ban hành Nghị quyết để xử lý nợ xấu.

Giơ biển tranh luận, nhưng ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) lại “hiến kế” giải quyết nợ xấu. Theo ĐB, cần yêu cầu ngân hàng sớm có báo cáo chi tiết cụ thể tên các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu. Trên cơ sở đó Quốc hội xem xét.

“Tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu do thiên tai, bão lũ, đề nghị QH xem xét xóa nợ. Tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu liên quan đến các vụ án tham nhũng, đề nghị "truy tận gốc, trốc tận ngọn", không cho phép nhập nhằng nợ xấu”, ĐB Khánh nêu.

ĐB Khánh cũng đề nghị, VAMC phải chia sẻ gánh nặng khó khăn của đất nước, xem xét lại mức lương của các lãnh đạo ở đấy.

“Trong khi chúng ta chưa giải quyết được nhiều khó khăn vấn đề này mà mức lương vẫn rất ngất ngưởng, báo chí, dư luận không đồng tình. Tôi đề nghị Quốc hội cần phải minh bạch chuyện này. Đây là vấn đề lớn của quốc gia, chúng ta cần tập trung giải quyết”, bà Khánh nói.

Nợ xấu của DNNN chiếm khoảng 6,3%

Giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, trong tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC thì nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các doanh nghiệp Nhà nước chiếm khoảng 6,3%; nợ của hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng trên 21%; nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8% tổng dư nợ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng. Ảnh: TN

Ông cũng nêu nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra nợ xấu như quy trình tín dụng của một số TCTD còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay...

Về vấn đề xử lý trách nhiệm nợ xấu, theo Thống đốc, không có một quy định nào trong dự thảo Nghị quyết có thể tạo điều kiện cho các TCTD hay các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể trục lợi.

Thời gian qua, thông qua công tác thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật gây ra tổn thất và nợ xấu cho cơ quan điều tra.

Từ năm 2011 - 2016, theo thống kê Bộ Công an, lực lượng Công an (không bao gồm Công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.

"Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều người là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc ngân hàng, với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm…”, Thống đốc cho biết.

Về phạm vi nợ xấu, ông Hưng đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết.

“Nợ xấu luôn tiềm ẩn và phát sinh hàng ngày với hoạt động của các TCTD. Về bản chất, hoạt động của các TCTD rất dễ rủi ro và xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tính trung bình, nợ xấu phát sinh hàng năm là từ 1,3% - 1,5% phát sinh thêm”, ông Hưng giải thích.

Sau gần 4 năm (từ 2012 - 2016) triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam” (VAMC) đến nay, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Nhưng, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Hiệu quả của công tác thi hành án dân sự liên quan đến thu hồi nợ tín dụng, ngân hàng cũng hạn chế, nợ tồn đọng tại khâu thi hành án dân sự tính đến 31/3/2017 là 17.184 việc, với số tiền còn phải thi hành án khoảng 65.489 tỷ đồng.

Thảo Nguyên