Tại kỳ họp bất thường lần thứ 8 ngày 26/8, Quốc hội đã tiến hành quy trình kiện toàn một số chức danh, trong đó có việc phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ.

Việc phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng được các đại biểu Quốc hội thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi hoàn thành các bước theo quy định, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, với 89,81% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Nhân sự được phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng gồm: Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Hòa Bình sinh năm 1958, quê ở Quảng Ngãi.

Ông là Giáo sư, Tiến sĩ Luật, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; Bí thư Trung ương Đảng 2 khóa (XII, XIII - từ 4/2021); Ủy viên Trung ương Đảng 3 khóa (XI, XII, XIII) và đại biểu Quốc hội 3 khóa (XIII, XIV, XV).

leftcenterrightdel
Tân Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: P.Thắng

Sau khi học Trường Trung cấp Công an Hải Phòng rồi Đại học An ninh nhân dân, ông Bình bắt đầu công tác tại Công an huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, với vị trí Đội trưởng Văn phòng, rồi Phó Văn phòng Tổng hợp, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ông Bình dần kinh qua và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành Công an như: Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đấu tranh án công nghiệp, Cục Cảnh sát kinh tế (C15); Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục C15; Phó Tổng cục trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.

Đầu năm 2006, ông Bình giữ vị trí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra án tham nhũng; rồi làm Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.

Ông được thăng hàm Thiếu tướng vào tháng 4/2007.

Một năm sau đó, ông được điều động về địa phương công tác giữ vị trí Phó Bí thư.

Đến tháng 6/2010, ông Bình làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và giữ vị trí này trong hơn 1 năm.

Tháng 7/2011, Quốc hội khóa XIII bầu ông Nguyễn Hòa Bình giữ chức Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Sau một nhiệm kỳ, vào tháng 4/2016, ông Nguyễn Hòa Bình đảm nhiệm cương vị Chánh án TAND và giữ vị trí này từ đến khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Hồ Đức Phớc sinh năm 1963, quê tỉnh Nghệ An.

Ông là Tiến sĩ Kinh tế, Ủy viên Trung ương Đảng 2 khóa (XII, XIII); Đại biểu Quốc hội 2 khóa (XIV, XV).

leftcenterrightdel
 Ông Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: P.Thắng

Trưởng thành từ cán bộ kế toán, ông Hồ Đức Phớc có hơn 27 năm công tác tại tỉnh Nghệ An.

Trong 9 năm (từ tháng 2/1988 đến tháng 9/1997), ông Phớc lần lượt là kế toán trưởng của Xí nghiệp Xây dựng huyện Quỳnh Lưu; Xí nghiệp Xây lắp, Công ty Xây dựng 7 Nghệ An và Ban Quản lý Dự án Đầu tư XD Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Ba năm tiếp theo, ông là Trưởng phòng Tài chính Vật giá thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Sau đó, ông Hồ Đức Phớc là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò.

Đến tháng 8/2027, ông làm Phó Chủ tịch UBND, rồi làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vào tháng 10/2010.

Gần 3 năm sau đó, ông Hồ Đức Phớc được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An.

Đến tháng 4/2016, ông được Quốc hội bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Sau tròn một nhiệm kỳ, vào tháng 4/2021, ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính và đảm nhiệm chức vụ này đến nay.

Ông Bùi Thanh Sơn, sinh năm 1962, quê ở Hà Nội, là Thạc sĩ Quan hệ quốc tế.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng 2 khóa (XII, XIII); Đại biểu Quốc hội 2 khóa (XIV, XV) và là Đại sứ bậc II.

leftcenterrightdel
Ông Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: P.Thắng 

Sự nghiệp của ông Bùi Thanh Sơn gắn liền với ngành Ngoại giao.

Ông từng được Bộ Ngoại giao cử đi đào tạo tiếng Nhật tại Nhật Bản và học Chương trình Thạc sĩ Quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Columbia (Mỹ), làm chuyên viên Bộ Ngoại giao.

Giữa năm 1993, ông là chuyên viên, Trưởng Ban Nghiên cứu Âu - Mỹ, Chánh Văn phòng, tập sự Phó Vụ trưởng, Học viện Quan hệ Quốc tế - Bộ Ngoại giao.

Sau đó gần 3 năm, ông làm Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế, rồi dần trở thành Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) kiêm trợ lý Bộ trưởng.

Ông Sơn cũng từng là Trưởng Đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định PCA Việt Nam - EU).

Cuối năm 2009, ông Sơn trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và giữ cương vị này 6 năm, trước khi là Thứ trưởng Thường trực.

Ông được phong hàm Đại sứ vào tháng 7/2011.

Đến tháng 4/2021, ông Bùi Thanh Sơn được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đảm nhiệm cương vị này từ đó đến nay.

Hương Giang