Đề nghị trình Quốc hội chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Tổng Thư ký Quốc hội nêu ra khi trình bày báo cáo việc chuẩn bị kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 12/9.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị bổ sung 4 nội dung vào chương trình kỳ họp 8, gồm:

Một, xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (theo trình tự, thủ tục rút gọn).

Hai, xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (theo quy trình tại 1 kỳ họp).

Ba, cho ý kiến về Dự án Luật Dữ liệu.

Bốn, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Ông Cường cũng nêu một nội dung khác Chính phủ, các cơ quan đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 8.

Trong đó, có luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực kế hoạch đầu tư; luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực tài chính; Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đến nay, theo ông Cường, Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng, pháp lệnh 2024 với 3 dự án luật trên.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, với chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp thu ý kiến các cơ quan, bộ, ngành.

“Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện báo cáo để trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Sơn nói.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 10, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp 8.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: P.Thắng

Ở vị trí điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các ủy ban của Quốc hội khẩn trương thẩm tra 4 nội dung đề nghị đưa vào chương trình kỳ họp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

“Đủ điều kiện bổ sung thì sẽ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp”, ông Định nói và đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo, tài liệu.

Đưa Dự án Luật Chuyển đổi giới tính khỏi chương trình kỳ họp 8

Về Dự án Luật Chuyển đổi giới tính, theo ông Cường, đại biểu Quốc hội đã có tờ trình, kèm theo hồ sơ gửi các cơ quan của Quốc hội. Chính phủ đã có ý kiến bằng văn bản về dự án luật.

“Tuy nhiên, căn cứ tình hình chuẩn bị thực tế, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị rút dự án luật này khỏi chương trình phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Cường nói.

Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy đây là dự án luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, nên trước mắt vẫn thể hiện nội dung Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong dự kiến chương trình kỳ họp 8.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV . Ảnh: P.Thắng

Do đó, theo ông Cường, trường hợp qua nghiên cứu thấy cần điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội hoặc đưa ra khỏi chương trình với dự án luật này thì đề nghị Ủy ban Xã hội khẩn trương báo cáo, đề xuất thời điểm cụ thể tiến hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, không đưa Dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình kỳ họp 8.

Ông đề nghị Ủy ban Xã hội và Ủy ban Pháp luật phối hợp lấy ý kiến chính thức của Chính phủ bằng văn bản; ý kiến của trưởng ban soạn thảo dự án luật bằng văn bản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa luật này ra khỏi chương trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp 8 về việc đưa dự luật này ra khỏi chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất để chuẩn bị cho kỳ họp; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu với chất lượng tốt, bảo đảm tiến độ để gửi đến đại biểu Quốc hội.

Dự kiến kỳ họp 8 tiến hành theo 2 đợt, có thời gian nghỉ giữa 2 đợt để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Như vậy, kỳ họp 8, khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc vào sáng ngày 30/11.

Hương Giang