Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7-12/4, theo lời mời của ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc, chiều 10/4 tại TP Thượng Hải.

Việt Nam - Trung Quốc ủng hộ nhau trong nhiều cơ chế hợp tác

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ ấn tượng trước sự phát triển mạnh mẽ, năng động của TP Thượng Hải - một trung tâm kinh tế hàng đầu, hiện đại và phát triển bậc nhất của Trung Quốc, một đô thị ngập tràn sức sống bên bờ sông Hoàng Phố, là địa phương đi đầu, mở đường trong quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc.

Ông vui mừng nhận thấy quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều tiến triển mới, to lớn, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2023 tăng trưởng, đạt hơn 170 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới và đối tác lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Về đầu tư, Trung Quốc có hơn 4.400 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 đối tác đầu tư của Việt Nam.

Trong năm 2023, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ.

Nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế của Trung Quốc trong các lĩnh vực như: công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng mới... đã đầu tư ở Việt Nam.

Nhận định hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều dư địa để phát triển, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra những yếu tố giúp Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này.

Theo ông, hai nước đều có nền kinh tế mở với xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng với các nguyên tắc thương mại quốc tế; hai nền kinh tế có sự tương thích, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau.

Việt Nam - Trung Quốc đều có cùng nhận thức và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều cơ chế hợp tác như Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Vành đai và con đường, Phát triển toàn cầu, An ninh toàn cầu và Văn minh toàn cầu...

Với doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh có đầy đủ khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương và hợp tác, cùng trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của khu vực, cũng như toàn cầu.

Hoan nghênh đầu tư vào kinh tế nhân tạo, sân bay, cao tốc…

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của hai bên, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực sự là trụ cột hợp tác giữa hai nước, ông gợi mở một số định hướng.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: P.Sáng 

Trong đó, theo Chủ tịch Quốc hội, cần đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trên tinh thần “cùng thắng, cùng có lợi”, nhất là triển khai kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, con đường”.

Nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; các bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, dữ liệu số...

Ông Vương Đình Huệ cho hay, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc, Thượng Hải đầu tư vào các lĩnh vực như: Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế nhân tạo, trung tâm tài chính, tài chính xanh, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị…

“Đây là những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đưa các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.

Ông khẳng định, Quốc hội Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, xây dựng khung pháp lý minh bạch, công bằng, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng kinh doanh thuận lợi, thành công tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu đã dự kỷ niệm 10 năm mở đường bay đến Trung Quốc (2014 - 2024) và công bố đường bay thẳng kết nối TP Hồ Chí Minh với Tây An, Trung Quốc của Hãng Hàng không Vietjet.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tin tưởng, Vietjet sẽ tiếp tục mở thêm nhiều đường bay mới kết nối hai nước, góp phần thúc đẩy giao thương, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Vietnam Airlines công bố kế hoạch đưa vào khai thác máy bay thân rộng Boeing 787 trên đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Cụ thể, từ tháng 6/2024, Vietnam Airlines sẽ bổ sung khai thác máy bay thân rộng trên các đường bay giữa Hà Nội và Thượng Hải, Bắc Kinh. Từ tháng 7/2024, Vietnam Airlines sẽ khai thác máy bay thân rộng cho tất cả chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh và Thượng Hải. 

Trung tâm Lập pháp Hồng Kiều là kinh nghiệm tốt để nghiên cứu

Sáng ngày 10/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm Trung tâm Lập pháp Hồng Kiều, TP Thượng Hải.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Trung tâm Lập pháp Hồng Kiều. Ảnh: Nhan Sáng

Trung tâm Lập pháp Hồng Kiều từ ngày thành lập đến nay đã tham gia đóng góp xây dựng 82 dự thảo luật, văn bản pháp quy; trong đó 4 bộ luật do Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc ban hành và những văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam luôn quán triệt tinh thần muốn luật pháp đi vào cuộc sống thì trước hết, bản thân cuộc sống phải đi vào pháp luật.

Do đó, Quốc hội Việt Nam đặc biệt coi trọng quy trình đánh giá tác động chính sách trước khi xây dựng các dự luật và việc lấy ý kiến Nhân dân về các dự thảo luật.

Cho rằng cách thức hoạt động của trung tâm là kinh nghiệm tốt để nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội cho biết cơ quan chức năng Việt Nam đang rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cuộc trao đổi về mô hình hoạt động của trung tâm cũng như quy trình lập pháp của Trung Quốc là kinh nghiệm tốt để tham khảo.

Hương Giang