Tăng cường tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân đang mất tích

 Người Phát ngôn dẫn thông tin từ cơ quan chức năng, trong các ngày mùng 2 và mùng 3/5, 4 tàu cá của tỉnh Quảng Bình cùng 24 ngư dân đã gặp nạn khi đang hoạt động trên biển.

Các lực lượng chức năng và tàu cá của Việt Nam đã phối hợp với lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc tích cực tìm kiếm, cứu nạn ngư dân. Cho đến nay, các lực lượng đã cứu được 13 ngư dân, tìm thấy 1 ngư dân thiệt mạng và đang tích cực tìm kiếm 10 ngư dân còn lại.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã trao đổi, làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin cho cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc.

Phía Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc tăng cường cử lực lượng, phương tiện cần thiết, tiến hành tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân đang mất tích. Đến nay, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cử các phương tiện phối hợp với Việt Nam hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm, Người Phát ngôn cho biết.

Chưa đủ thông tin để đánh giá cụ thể về mức độ tác động của Dự án kênh đào Funan Techo

Bình luận, xác nhận cũng như cung cấp thông tin liên quan đến kênh đào Funan Techo của Camupchia, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết: “Những thông tin chúng tôi có được tới thời điểm này về dự án kênh đào Funan Techo chưa đủ để đánh giá cụ thể về mức độ tác động của dự án này. Vì vậy, như phát biểu ngày 5/5 vừa qua, chúng tôi mong muốn phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong, chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án và tiến hành đánh giá chi tiết các tác động của dự án này với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong.

Đồng thời cũng là các biện pháp quản lý chung và dài hạn, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong”.

Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mê Công 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mê Công và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Người Phát ngôn cũng đã bình luận.

Nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường

 Liên quan đến phiên điều trần về việc nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam do Bộ Thương mại Hoa Kỳ tổ chức hôm 8/5 (giờ địa phương), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần ngày 8/5 vừa qua. Đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam”.

Theo đó, tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.

Thực tế, cho tới nay, đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.

Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước, Người Phát ngôn bình luận.

Bác bỏ những nhận định không khách quan về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam

 Về Báo cáo Tự do tôn giáo năm 2024 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), trong đó cho rằng Việt Nam đã có các vi phạm nghiêm trọng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế ở Việt Nam tại báo cáo nêu.

“Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân.

Tại Việt Nam, không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Điều này được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp của Việt Nam năm 2013, hệ thống của pháp luật của Việt Nam cũng như được tôn trọng trên thực tế”.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao.

Đây cũng là những đánh giá, nhận xét của các nước tham gia phiên đối thoại báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV vừa qua của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

"Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 của Ủy ban Tự do tôn giáo Hoa Kỳ.

Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau để đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Thanh Thanh