Vào cuộc quyết liệt

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi giữa tháng 3, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, WHO ấn tượng sự hợp tác của toàn thể người dân Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19; thể hiện lòng tin của người dân, toàn xã hội với công tác này.

Đại diện WHO cũng bày tỏ ấn tượng về hai chiến lược mà Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đang thực hiện là 4 tại chỗ và nguyên tắc cách ly.Ông Kidong Park cam kết hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế, huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam. 

Liên quan vấn đề vaccine chữa bệnh COVID-19, WHO đã hợp tác với các đối tác, đến nay có 20 ứng cử viên về sản xuất loại vaccine này.Việc nghiên cứu sản xuất vaccine là rất cần thiết, nhưng vấn đề sản xuất đại trà mới là quan trọng.WHO rất mừng là năng lực sản xuất vaccine ở Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu. 

WHO một lần nữa đánh giá cao sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ Việt Nam và cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn.

Hay như, làm việc với đại diện Việt Nam tại trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sĩ, vào đầu tháng này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom đánh giá cao việc Việt Nam đã tiến hành ngay từ sớm nhiều biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các cam kết chính trị của lãnh đạo cấp cao và sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và các địa phương, nhờ đó giúp kiểm soát dịch bệnh.

Hoan nghênh sự phối hợp hiệu quả giữa các nước ASEAN và vai trò Chủ tịch tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực này là rất quan trọng, đã góp phần kiểm soát dịch COVID-19 trong khu vực, Tổng Giám đốc WHO cho biết đã khuyến nghị Liên minh châu Phi tham khảo mô hình phối hợp của ASEAN nhằm kiểm soát dịch tại châu Phi.

Trước đó, vào ngày 28/2, khi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Đại diện WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả, công khai, minh bạch.

Đại diện WHO ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc chuẩn bị công tác phòng, chống dịch; đưa ra các kịch bản ứng phó với mọi tình huống và khẳng định: "Việt Nam đã chia sẻ thông tin minh bạch, đặc biệt trong công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị, qua đó phối hợp cùng với các nước phòng, chống dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu".

Đồng quan điểm, đại diện CDC tại Việt Nam nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam hành động nhanh, kiên quyết và hiệu quả, “góp phần vào công cuộc ngăn ngừa dịch bệnh của thế giới".

Đánh giá cao việc phòng, chống COVID-19 của Việt Nam, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam Kamal Malhotra cho biết, đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu phòng, chống COVID-19 của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.

Theo ông Kamal Malhotra, LHQ đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam đang thực hiện để chặn sự lây lan trong cộng đồng. "Các tổ chức LHQ ở Việt Nam sẽ có các tiếp cận và hỗ trợ Việt Nam hài hòa về công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ việc đánh giá giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế-xã hội… LHQ luôn sát cánh cùng Chính phủ ứng phó hiệu quả với đại dịch này...” - Điều phối viên cam kết.

Chuyên gia Nga Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Á-Âu, cho biết, ông tin tưởng Việt Nam sẽ ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, qua đó thực hiện tốt vai trò Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Moscow, ông Trofimchuk đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua khá hiệu quả. Theo đó, chất lượng y tế và các biện pháp vệ sinh dịch tễ là những điều mà Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước. “Việt Nam là một ví dụ đáng ngạc nhiên khi nhiều người được chữa khỏi bệnh, các bạn đã công khai và cởi mở, đưa ra những thống kê đầy đủ về các trường hợp lây nhiễm, khỏi bệnh hoặc cần theo dõi y tế".

Trong bài viết đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Kalinga International, TS Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách, Hội đồng Các vấn đề thế giới của Ấn Độ đánh giá Việt Nam đã đảm đương rất tốt vai trò của mình, cùng ASEAN từng bước vượt qua những khó khăn do COVID-19 gây ra. “Việt Nam đang có sẵn một cơ chế ứng phó khu vực mạnh mẽ, có tính thể chế hoá cao do ASEAN dẫn dắt với các dịch bệnh bùng phát thông qua Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM); mạng lưới chuyên gia phòng thủ hóa học, sinh học và phóng xạ ASEAN, tạo điều kiện cho những liên kết chuyên nghiệp và thúc đẩy hợp tác khoa học nhằm kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm; Trung tâm Y học quân sự ASEAN; Hội nghị Quân y ASEAN” - TS Vijay Sakhuja viết.

Trong một thông điệp qua video được đăng trên trang mạng xã hội của Đại sứ quán Anh ở Việt Nam, Đại sứ Gareth Ward vừa “gửi lời cảm ơn chân thành” tới các bác sỹ và Chính phủ Việt Nam đã giúp đỡ các công dân Anh tới Việt Nam và được xác định mắc COVID-19: “Tôi mong muốn được gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả y bác sỹ và các cơ quan chính phủ Việt Nam vì đã giúp chúng tôi hỗ trợ các công dân Anh trong thời gian qua”.

Đại sứ nói bằng tiếng Việt rằng, “ngăn chặn sự lây lan của virus corona là nhiệm vụ hàng đầu của Việt Nam tại thời điểm này".

Minh bạch thông tin

Trang scoopwhoop.com của Ấn Độ ngày 17/3 đăng bài bình luận, nhận định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Đông Nam Á, bên cạnh Singapore.

Theo bài viết, Việt Nam là quốc gia đã thể hiện năng lực ứng phó và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả và là một trong những quốc gia được đánh giá cao nhất trong chiến dịch phòng ngừa và dập dịch COVID-19.

Đăng tải bài viết ca ngợi về cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam, Hãng Phát thanh truyền hình DW của Đức nhấn mạnh: Trong khi đại dịch virus corona đang hoành hành ở các nước châu Âu giàu có, thì cách đó hơn 10.000km, Việt Nam - hàng xóm của Trung Quốc, nơi đại dịch bùng phát đầu tiên - nhìn chung dường như đã thoát khỏi giai đoạn cam go của dịch bệnh.

DW cho biết, cùng chia sẻ đường biên giới dài 1.100km với Trung Quốc, nhưng Việt Nam mới có chưa đầy 200 ca nhiễm bệnh và chưa có trường hợp nào tử vong, tính từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi tháng 1.

Ngay cả khi xem xét những con số này một cách cực kỳ thận trọng, một điều rõ ràng phải thừa nhận là: Việt Nam tới nay đã làm tốt công tác chống lại virus corona - DW viết.

Cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, một tờ báo khác của Đức - Nhật báo Thế giới trẻ (Junge Welt) khẳng định Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt trong khâu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á phát triển thành công bộ kit xét nghiệm virus.

Theo bài báo, bộ xét nghiệm này không chỉ cho kết quả có độ chính xác cao theo tiêu chuẩn của WHO và CDC mà còn có giá thành chỉ khoảng 17-26 USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 200 euro ở Đức.

Tác giả bài báo nhắc lại việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành ở Việt Nam phải nhanh chóng xác định và kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm.

Hãng Thông tấn Sputnik của Nga, trong bản phát thanh đêm 26/3, cho rằng "Việt Nam đã nêu tấm gương trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19".

Hãng Sputnik nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát tình hình, thông báo kịp thời cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đưa ra khuyến nghị về chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Các chuyên gia Việt Nam đã phát triển bộ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đang được sử dụng không chỉ ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang các nước khác. 

Người dân Việt Nam rất quan tâm tình hình dịch bệnh, tuân thủ các khuyến nghị của cơ quan chức năng.

Sputnik cũng nêu rõ người dân Việt Nam có truyền thống đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Điều đó giúp Việt Nam khống chế hiệu quả dịch COVID-19.

Trang mạng của Financial Times chuyên về tin tức tài chính và kinh doanh ở Anh và quốc tế ngày 24/3 đăng bài ca ngợi nỗ lực của Việt Nam ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19: "Việt Nam đã cho thấy mô hình dập dịch bệnh ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế, nhưng đứng đầu là những lãnh đạo đầy quyết tâm".

Bài viết nhắc lại vào thời điểm dịch bệnh mới chỉ xuất hiện tại Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo khả năng chủng mới của virus corona có thể sớm đến Việt Nam và ngay lập tức đã triệu tập cuộc họp Chính phủ, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Financial Times gọi đây là cuộc tổng tấn công chống COVID-19 của Việt Nam và đây là mô hình dập dịch chi phí thấp.

Theo bài viết, câu chuyện thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 phải kể đến sự chung tay của đội ngũ y, bác sỹ và quân đội.

Trong khi đó, truyền thông Nhà nước Việt Nam liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân nắm rõ và phòng tránh.

Theo Financial Times, ngoài công tác phòng, chống dịch, Chính phủ Việt Nam cũng xử lý nghiêm những đối tượng tung tin giả về dịch COVID-19, gây hoang mang dư luận.

Và, mỗi người dân Việt Nam chính là một “mắt xích” trong mạng lưới giám sát dịch bệnh của Nhà nước.

The Diplomat (tạp chí tin tức trực tuyến quốc tế về chính trị , xã hội và văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có trụ sở tại Washington, Mỹ) đăng một bài viết đề cập tới những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Bài viết nhận định trong cuộc chiến chống dịch, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu. Trên tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam đã công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh, từ đó có được niềm tin của người dân. Những biện pháp này đã được chứng minh hiệu quả và cho thấy kết quả tích cực ở Việt Nam.

Nhiều tờ báo khác trên thế giới như The New York Times, U.S. News & World Report... cũng đã đăng tải, ghi nhận các biện pháp của Việt Nam nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, như đình chỉ chế độ miễn thị thực cho công dân một số nước, đóng cửa các trường học, các rạp chiếu phim, câu lạc bộ và quán bar, tiệm massage, phòng karaoke...

Hãng Thông tấn Bloomberg của Mỹ lưu ý đến biện pháp của Việt Nam mở rộng diện tích cách ly để bố trí những người Việt trở về nước từ các quốc gia khác. Theo đó, Quân đội Việt Nam đã dành các cơ sở có sức chứa 60.000 người phục vụ cách ly...

Mạnh Hùng (Tổng hợp)