Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 7.870, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 69. Cách ly tập trung tại cơ sở khác 6.870. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 931.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có thêm 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là  BN315 (39 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam) được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. 

Bệnh nhân từ Campuchia trở về Việt Nam vào ngày 2/5/2020, ngày 3/5/2020 bệnh nhân được đi cách tại khu cách ly tập trung của tỉnh Tây Ninh.

Ngày 5/5/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhưng đến ngày 15/5/2020, kết quả xét nghiệm lại dương tính với SARS-CoV-2. 

Bệnh nhân được nhập viện vào ngày 16/5/2020, trong quá trình điều trị, được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 27/05/2020 và lần 2 vào ngày 28/5/2020. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Như vậy, tính đến chiều 29/5, đã tròn 43 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. 279 bệnh nhân đã được chữa khỏi, tương ứng với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85%. 

Hiện còn 48 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.

Trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 9 ca. Số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 17 ca.

Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động".

Điểm mới ở đây là các nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 đã được bổ sung, cập nhật và có hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thông qua bộ chỉ số nhằm xác định các mức độ nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để có các biện pháp khắc phục, phòng, chống lây nhiễm, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

Tại quyết định này, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người lao động phải thực hiện các biện pháp: đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng giãn cách tại nơi làm việc, hội họp, khi ăn ca, các khu vực công cộng tại cơ sở lao động thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Lắp vách ngăn giữa các vị trí làm việc (nếu có thể).

Rửa tay thường xuyên, tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp, không tụ tập đông người khi nghỉ giữa ca, nghỉ trưa… theo quy định tại nơi làm việc.

Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.

Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay…

Người lao động cần chủ động thường xuyên vệ sinh mặt bàn làm việc, các dụng cụ lao động và vị trí thường xuyên tiếp xúc của cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn. Hạn chế dùng chung các dụng cụ, phương tiện lao động... nếu có phải vệ sinh các vị trí tiếp xúc bằng dung dịch sát khuẩn trước khi sử dụng.

Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc, khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, hoặc là ca bệnh, hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc, khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và phải báo cho người quản lý hoặc và cán bộ y tế tại nơi làm việc.

Phương Anh