Phát biểu tại hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 3 về phòng chống tai nạn thương tích do Bộ Y tế tổ chức ngày 12/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tai nạn thương tích là nguyên nhân chính gây tổn thương lớn về người và tài sản. Đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em mỗi năm. Chúng ta có thể hình dung gánh nặng tổn thương đến sức khỏe an toàn của trẻ em, đặc biệt là hạnh phúc của các gia đình.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng trên 5 triệu người tử vong, và hàng chục triệu người bị thương do tai nạn thương tích trên toàn thế giới. Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong. Mỗi năm có tới trên 1,2 triệu trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, trên 600 ngàn trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước…

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 234 năm 2016 phê duyệt kế hoạch hành động phòng chống tai nạn thương tích với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn thương tích. Bộ Y tế cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích.

Thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp tích cực với các đơn vị trong và ngoài nước trong công tác phòng chống tai nạn thương tích. Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai sâu rộng các nhiệm vụ phòng chống tai nạn thương tích của ngành Y tế và đã đạt được một kết quả khả quan. 

Hệ thống giám sát số ca mắc và tử vong do tai nạn thương tích đã được thiết lập làm cơ sở xây dựng các chính sách. Việc can thiệp phòng chống tai nạn thương tích như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… được tiến hành thường xuyên. Đồng thời, chương trình quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích đã được xây dựng.

Các chuyên gia cho rằng dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em

Nhờ đó, người dân và các cấp chính quyền địa phương được nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống đuối nước. Năng lực cấp cứu, chăm sóc chấn thương trước khi nhập viện do tai nạn thương tích tại nhiều địa phương được nâng cao. Mô hình cộng đồng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã được tập trung xây dựng. 

Đến nay đã có 220 xã, phường trên cả nước được công nhận là cộng đồng an toàn quốc gia với các mô hình trường học an toàn, gia đình n toàn, ngôi nhà an toàn… Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, các chính sách và can thiệp phòng chống tai nạn thương tích của các bộ, ngành, địa phương đã góp phần giảm 20% tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng.

Theo một thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Trong khi đó, tỉ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em. Các chuyên gia cho rằng dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là môi trường sống của trẻ Việt Nam lại có nhiều ao hồ, mương, kênh, rạch, sông, suối… tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Từ 2018, Bộ LĐTB&XH cùng với WHO và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) đã triển khai các chương trình can thiệp về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam tại 8 tỉnh của Việt Nam gồm: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng.

Dự án chú trọng hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ em an toàn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng và dạy bơi cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Hiện có khoảng 100.000 trẻ đã được học bơi an toàn trong môi trường nước.

Bà Anuradha Khanal, đại diện Tổ chức GHAI cho biết, tới đây dự án sẽ tiếp tục mở rộng hỗ trợ nhiều tỉnh thành trong việc phòng chống đuối nước trẻ em với mục tiêu giảm 20% tỉ lệ tử vong do đuối nước ở Việt Nam. Trẻ em từ 6-15 tuổi sẽ được tham gia học bơi 15 buổi với thời gian từ 60- 90 phút. Sau khóa học, trẻ sẽ được kiểm tra và trẻ học bơi cần phải bơi được 25m và nổi trong 90 giây.

Tại hội nghị, các đại biểu trong nước, quốc tế đã chia sẻ kết quả can thiệp chứng minh tính hiệu quả đối với các giải pháp phòng chống đuối nước, những thông tin về các khóa học mới, cơ hội hợp tác thúc đẩy và triển khai toàn diện các hoạt động phòng chống hoạt động tai nạn thương tích trong thời gian tới, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng.

Phương Anh