Kết quả đợt kiểm tra đột xuất của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tại 7 địa phương (Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Kom Tum) có sự gia tăng chi phí KCB cao trong quý I/2013 cho thấy nhiều vấn đề về thực trạng sử dụng quỹ KCB BHYT tại các cơ sở y tế.      
   
Tổng hợp kết quả kiểm tra cho thấy: Một số BV đã có những bổ sung về cơ sở vật chất, đặc biệt là khu vực phòng khám bệnh như chỗ ngồi chờ của người bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận bệnh nhân (BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Thái Bình). Tuy nhiên, tình trạng thiếu bác sỹ khá trầm trọng dẫn đến quá tải bệnh nhân tại khu khám bệnh. Trung bình 1 bàn khám/ngày thực hiện tiếp nhận và khám cho 70 - 80 bệnh nhân (BV Nam Sách, Hải Dương; BV Tiên Du, Bắc Ninh), đặc biệt tại BV Đa khoa huyện Trảng Bom, Đồng Nai khám trung bình 150 bệnh nhân/bàn khám/ngày.
  
 Bên cạnh đó, tình trạng thống kê vật tư tiêu hao, thuốc và các chi phí đã có trong cơ cấu giá vào bảng kê thanh toán ra viện, tính sai số ngày nằm viện… cũng xuất hiện ở nhiều BV (BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa; BV Nam Sách, Hải Dương; BV Đa khoa TP Thái Bình).

Tính riêng 11 đơn vị do BHXH tỉnh Khánh Hoà ký hợp đồng đã có 280 trường hợp trùng lặp trong quý IV/2012 và 96 trường hợp trong quý I/2013, tổng số tiền chi các trường hợp này trên 1 tỷ đồng. Mặc dù chi phí về khẩu trang, thuốc sát trùng để rửa tay cho nhân viên y tế khi khám bệnh và thực hiện các thủ thuật đã được cơ cấu đầy đủ trong giá dịch vụ y tế, nhưng quy định này lại bị “lơ là” tại hầu hết các BV.

Thậm chí, tại BV Đa khoa TP Thái Bình và BV huyện Nam Sách, Hải Dương vẫn thực hiện thu thêm tiền kim châm cứu của người bệnh BHYT, mặc dù chi phí này đã được kết cấu trong giá châm cứu.
   
Tại 7 địa phương trên, mức gia tăng chi phí KCB sau áp dụng giá dịch vụ y tế mới trong quý I/2013 thấp nhất là 16%, cao nhất là trên 29% so với cùng kỳ. Chi phí gia tăng phổ biến đến từ sự gia tăng chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng.

Tại Thái Bình, với mức gia tăng chi phí do áp dụng mức giá mới theo Thông tư 04 trong quý I/2013, là 29%, chi phí của xét nghiệm cận lâm sàng (bao gồm cả chẩn đoán hình ảnh) tăng đến 81%.

Tại Bắc Ninh, đoàn kiểm tra kết luận: Một số dịch vụ có số lượng chỉ định quá lớn như xét nghiệm hóa sinh (mức gia tăng trên 600 triệu tại BV Đa khoa tỉnh). Đặc biệt, xét nghiệm cặn nước tiểu được thực hiện rất nhiều cả trong KCB nội trú và ngoại trú (11.699 lần), tăng 66% trong nội trú so với cùng kỳ. Chi phí trong quý I/2013 gia tăng riêng đối với dịch vụ này là 550 triệu đồng, trong khi đây là xét nghiệm chỉ cần thực hiện đối với bệnh nhân nghi ngờ có bệnh thận.

Tương tự, tại BV Đa khoa tỉnh Hải Dương chỉ định xét nghiệm định nhóm máu ABO được thực hiện tới 8.228 lần/4.285 lượt điều trị nội trú; trung bình 4 bệnh nhân nội trú thì 1 bệnh nhân được chụp MRI hoặc CT Scanner.

Hay như, tại BV Đa khoa tỉnh Khánh Hoà, hầu hết bệnh nhân nội trú được chỉ định siêu âm (94%) và chụp X quang CR (76%).
   
Đáng lưu ý, tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi thực hiện giá dịch vụ y tế mới, các chỉ định các dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng đã gia tăng “đột biến” một cách đáng ngạc nhiên.
  
Đặc biệt, sự gia tăng chi phí KCB cho bệnh nhân BHYT có sự chênh lệch rất lớn so với bệnh nhân viện phí (KCB dịch vụ) khi nhóm đối tượng này nhận được sự “ưu ái” đặc biệt của cơ sở y tế.
   
Từ những bất hợp lý trong quá trình thanh toán, quyết toán KCB BHYT, các đoàn công tác đã yêu cầu BHXH các địa phương rà soát lại toàn bộ dữ liệu năm 2012, 2013 của toàn tỉnh; từ chối thanh toán các trường hợp thống kê thanh toán trùng lắp theo dữ liệu đoàn cung cấp; phối hợp với lãnh đạo cơ sở KCB giải quyết các trường hợp chỉ định không hợp lý, không phù hợp chẩn đoán nhất là các xét nghiệm cận lâm sàng phổ biến, các dịch vụ kỹ thuật trong chẩn đoán hình ảnh (MRI, CT Scanner, siêu âm), các thuốc bổ trợ, thuốc kháng sinh, thuốc đắt tiền; các trường hợp kê đơn, cấp thuốc ra viện không đúng quy định của Bộ Y tế…

Ngọc Linh