Trước những tác hại mà chất thải nhựa gây ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành những đạo luật cấm hoặc hạn chế sử dụng túi nilon, hoặc những đồ dùng một lần có chứa nhựa. Để thực hiện điều này, thời gian qua, ngành Y tế nước ta cũng đã có những động thái tích cực nhằm thay đổi thói quen bằng những hành động thiết thực hướng tới giảm thiểu chất thải nhựa.

Ngành Y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng làm phát sinh chất thải nhựa từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày, các hoạt động chuyên môn y tế đến hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

Tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng một lần như: Bơm kim tiêm, găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm... đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt là những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Thế nhưng, điều này cũng có nghĩa là chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là không nhỏ.

Theo số liệu báo cáo năm 2017 của Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại là 21.374 tấn/năm, lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%). Tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh 116.058 tấn/năm, lượng chất thải sinh hoạt được xử lý là 114.219 tấn/năm (chiếm 98,4%). 

Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, đến nay, Bộ Y tế chưa có điều tra, đánh giá về tỷ lệ chất thải nhựa trong chất thải của ngành Y tế cũng như chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải nhựa (như: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ). Tuy nhiên, theo báo cáo của một số cơ sở y tế được Cục Quản lý môi trường nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện này dao động trong khoảng 10 - 45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế trong khoảng 12 - 17%.

Tại một số địa phương, Sở Y tế và các cơ sở y tế cũng đã sớm tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở, nhiều đơn vị đã có các hoạt động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" của cơ sở y tế trên cả nước. Cụ thể, tại Bệnh viện K đã vận động các đơn vị cung cấp dịch vụ, người nhà bệnh nhân cùng giảm thiểu rác thải nhựa. Tính đến cuối tháng 4/2019 (sau hơn 2 tháng thực hiện kế hoạch), các đơn vị trong Bệnh viện K đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa,...

Có thể nói, việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải, chất thải nhựa là một quá trình dài và không đơn giản. Mặc dù tại nhiều cơ sở y tế, bước đầu đã có sự thay đổi nhằm hạn chế và nói không với rác thải nhựa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, để giảm thiểu lượng chất thải nhựa, vấn đề quan trọng nhất là thay đổi được nhận thức của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Các chủ trương, kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa bước đầu chỉ mới tác động được đến nhân viên bệnh viện và một số ít bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận với sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa cũng là một khó khăn trong thời điểm hiện nay. Bởi những sản phẩm thân thiện môi trường về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các địa phương hiện nay chưa phong phú và hầu hết là chưa đảm bảo về số lượng để sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. 

Phương Anh