Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), đây là một trong những điểm mới nhất của việc triển khai BHYT tại Việt Nam. Người dân có thể sở hữu thêm bảo hiểm thương mại để chi trả những chi phí ngoài danh mục được Qũy BHYT chi trả.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện nay, 89% dân số tham gia BHYT, hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh như khám thai, sinh đẻ, phục hồi chức năng, thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được quỹ bảo hiểm chi trả... Tuy nhiên, người có thẻ BHYT phải chi trả các dịch vụ không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT bao gồm: Thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục; khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, dịch vụ y tế dự phòng; sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả…

Ngoài ra, người bệnh phải chịu chi phí cùng chi trả tùy từng dịch vụ là 5%, 20% tổng chi; chi phí khám chữa bệnh trái tuyến (tuyến tỉnh, Trung ương); chi phí phải cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật (có trong danh mục BHYT); phần chi phí chênh lệch khi khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Do vậy, nhằm đa dạng các gói BHYT và tăng cường liên kết giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại, tới đây, Bộ Y tế sẽ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia vào BHYT xã hội, cung cấp các sản phẩm ngoài phạm vi quyền lợi BHYT.

Theo ông Lê Văn Khảm, sự hoạt động của doanh nghiệp BHYT thương mại không mới, và phát triển rất mạnh trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm cho trường hợp bị thương tật, tai nạn, ốm đau…

Hiện nay, trên thế giới, nhiều tổ chức BHYT tư nhân, thương mại triển khai các gói y tế bổ sung. Ở Úc, BHYT chi trả 75-80% chi phí khám chữa bệnh của người dân, nên các tổ chức thương mại tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại. “Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế được loại hình BHYT thương mại này với các gói bổ sung, gói nâng cao, các gói sản phẩm theo yêu cầu”, ông Khảm nhấn mạnh.

Trong bối cảnh BHYT Nhà nước chỉ đáp ứng dịch vụ cơ bản còn một loạt dịch vụ y tế khác nữa, người dân đang phải chi trả tiền túi, thì việc có mặt của BHYT thương mại vào BHYT Nhà nước sẽ bù vào khoảng trống giữa BHYT Nhà nước với chi phí thực tế. Các doanh nghiệp BHYT thương mại có thể cung cấp sản phẩm: các dịch vụ ngoài vi phạm quyền lợi BHYT hiện nay: khám sàng lọc, phát hiện sớm, khám sức khỏe định kỳ, thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục, chi phí cho phần cùng chi trả trong phạm vi quyền lợi BHYT hiện có (5%, 20%); phần cùng chi trả của một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế (có trong danh mục nhưng chỉ được hưởng theo tỷ lệ nhất định); khám chữa bệnh theo yêu cầu; chi phí khám chữa bệnh trái tuyến (tuyến tỉnh, tuyến Trung ương); các gói bảo hiểm sức khỏe khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các gói khác theo yêu cầu thị trường. 

Khi có hai nguồn BHYT Nhà nước và BHYT thương mại sẽ tạo nguồn tài chính bền vững và ổn định cho người tham gia. Vì thế, điều kiện hoạt động của bệnh viện cũng sẽ đáp ứng tốt hơn.

Trong thời gian tới khi Luật BHYT chưa điều chỉnh, chưa thiết kế gói quyền lợi BHYT bổ sung thì sự tham gia của các doanh nghiệp BHYT thương mại là phù hợp, đóng góp vào cơ chế tài chính chung, bảo vệ người dân khỏi rủi ro về chi tiêu y tế khi không may mắc bệnh. Điều quan trọng nhất hiện nay, đó là sẽ kiểm soát chất lượng BHYT thương mại như thế nào.

Bộ Y tế cho biết, đây là một lĩnh vực mới mà Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các tổ chức y tế liên quan sẽ nghiên cứu, bàn thảo về cách thức triển khai các gói liên kết và sự tham gia của doanh nghiệp BHYT thương mại trong BHYT xã hội như thế nào.

Phương Anh