Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), nhà báo Xuân Me đã dành thời gian chia sẻ với Báo Thanh tra về những ngày tác nghiệp ở "tâm dịch" Bắc Ninh và vinh dự trở thành đại biểu dân cử…

Nỗ lực để... "tròn vai"

+ Được biết, anh là một trong những đại biểu trẻ của HĐND khóa mới và cũng là nhà báo duy nhất trong 56 đại biểu trúng cử HĐND tỉnh khóa XIX. Cảm xúc của anh thế nào khi được cử tri trong tỉnh gửi gắm niềm tin?

- Suốt 10 năm làm phóng viên, lăn lộn với cơ sở, tôi luôn nhận được sự tin yêu, giúp đỡ tận tình của người dân và cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh. Từ đó, tôi ý thức sâu sắc, trở thành đại biểu HĐND tỉnh đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao của mình trước cử tri trong tỉnh.

+ Là một phóng viên trực tiếp được gần dân, lắng nghe tiếng nói của dân và không ít trong số đó là những đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại… và giờ được nhân dân tin yêu, tín nhiệm. Vừa là phóng viên vừa là đại biểu dân cử, đây có phải là thuận lợi với anh?

- Là nhà báo, đồng thời là đại biểu HĐND, tôi có nhiều điều kiện thuận lợi nắm bắt kịp thời các vấn đề từ cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, thông qua các kỳ họp, tôi cũng có thể chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri, người dân đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thiết thực làm “cầu nối” giữa người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền, giữa cử tri với HĐND. Xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

leftcenterrightdel
Nhà báo Xuân Me dự tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến. Ảnh: NVCC 
 

Vốn có nhiều thời gian phụ trách theo dõi tuyên truyền công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh, được tiếp xúc, gắn bó với tuổi trẻ, nên tôi luôn quan tâm đến suy nghĩ, hành động, lý tưởng và hoài bão của những người trẻ hiện đại. Họ không chỉ dám dấn thân, mà còn dám chủ động tiếp cận những vấn đề nhức nhối, cấp thiết của xã hội và sẵn sàng đóng góp sức mình để tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng. Tôi hi vọng sẽ góp phần đưa tiếng nói của giới trẻ với lý tưởng sống ý nghĩa và nguồn năng lượng tích cực của họ đến nghị trường.

Nhiều năm theo dõi tuyên truyền lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tôi luôn quan tâm đến công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong các nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tôi sẽ tích cực cùng các đại biểu HĐND bàn bạc, đưa ra các giải pháp đúng đắn, hiệu quả, góp phần tạo môi trường ổn định, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển của tỉnh.  

+ Từ giờ phải “gánh 2 vai” vừa là phóng viên vừa là đại biểu HĐND tỉnh, với anh đây là áp lực hay cơ hội?

Giờ đây, ngoài công việc của nhà báo, tôi còn có thêm trọng trách là đại biểu HĐND tỉnh. Một công việc hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm, đòi hỏi không ít thời gian cho các nhiệm vụ như giám sát, tiếp xúc cử tri, tìm hiểu nội dung phản ánh, khiếu nại của người dân, nghiên cứu tài liệu…

Để làm tốt trách nhiệm một nhà báo và đại biểu của nhân dân là áp lực lớn nhưng điều đó chắc chắn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm hạnh phúc bởi cử tri chính là “kho báu Thạch Sanh” cho tôi những kiến thức và kinh nghiệm quý giá để tôi tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt trọng trách lãnh đạo và cử tri tin tưởng, giao phó, nhất là với tư cách vừa là đại biểu HĐND, vừa là phóng viên của một tờ báo Đảng.

Không thể “le ve” bên ngoài để "phóng" bút

+ Những ngày này Bắc Ninh đang trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, phóng viên cũng là người “chiến sĩ” trực tiếp xông pha nơi “chiến trường”, chắc hẳn đây sẽ là những ngày tháng không thể nào quên trong quãng đời cầm bút?

- Hơn 1 tháng qua, Bắc Ninh là một trong những địa phương có diễn biến dịch phức tạp với hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19. Đồng hành cùng hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, không chỉ riêng tôi mà tất cả đội ngũ phóng viên tòa soạn Báo Bắc Ninh đều là những “chiến sĩ” trên mặt trận tuyên truyền. Làm sao để đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến với độc giả trong và ngoài tỉnh, đấy là điều mà chúng tôi luôn trăn trở và nỗ lực thực hiện.

leftcenterrightdel
 Nhà báo Xuân Me trong 1 lần tham gia hiến máu. Ảnh: NVCC
 

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, ngay khi có những ca lây nhiễm đầu tiên ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, những phóng viên của Bắc Ninh cũng như các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh đều có mặt ngay tức khắc và luôn đồng hành.

Bám sát chỉ đạo của Ban Biên tập, “khi có "lệnh" là sẵn sàng lên đường”. Với lợi thế của phóng viên địa phương nên nguồn thông tin được chúng tôi tiếp cận một cách nhanh chóng và trực tiếp nhất. Với anh em báo chí, nơi tâm dịch, đâu đâu cũng là những “chất liệu” sống động để thực hiện các tác phẩm. Điển hình trong số đó có thể kể đến như: “Chung sức, đồng lòng dập dịch”; “Những lá chắn vững chắc”; ““Mắt thần” ở nơi phong tỏa”; “Chuyện những tình nguyện viên ở tâm dịch”…

Để có được những tác phẩm phản ánh được "hơi thở"cuộc sống như vậy, phóng viên chúng tôi không thể “le ve” bên ngoài để "phóng" bút mà luôn ý thức mình phải là một “chiến binh”, một tình nguyện viên tham gia vào "cuộc chiến", đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu để có những thông tin “nóng” nhất, những hình ảnh, thước phim "đắt" nhất, cung cấp cho độc giả.

Có những hôm tối muộn, dự cuộc họp của cơ quan chức năng, rồi tham gia truy vết, khoanh vùng khi phát hiện ca lây nhiễm, về đến nhà, đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng. Với phóng viên xong nhiệm vụ tác nghiệp tại “chiến trường” chống dịch - đó mới chỉ là bước đầu chuẩn bị tư liệu cho nội dung. Có những vấn đề “nóng” để bảo đảm tính thời sự, nhiều đêm chúng tôi thức trắng viết bài… là chuyện thường.

Tác nghiệp tại các địa bàn “tâm dịch”, song mọi cảm giác lo lắng về nguy cơ lây nhiễm đều an tâm, vì công tác bảo hộ đã được các y bác sĩ chỉ bảo tận tình. Có những buổi đi tác nghiệp ở “tâm dịch”, tôi cẩn thận dặn vợ từ hôm trước chuẩn bị thêm một bộ quần áo để khi tác nghiệp xong về là tắm giặt, thay đồ trước khi tiếp xúc với mọi người, trước khi về nhà... Đây chắc chắn sẽ là những ngày, tháng không bao giờ quên với tôi.

+ Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với anh khi tác nghiệp trong “tâm dịch”?

- Được tiếp xúc, được cảm nhận những nghị lực phi thường của lực lượng nơi tuyến đầu, nhìn những bộ y phục, quân phục của các y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ tại các khu vực, điểm chốt kiểm soát dịch, khu vực cách ly phong tỏa thấm đẫm mồ hôi dưới cái nắng chói chang đầu hè hay dưới những cơn mưa tầm tã; những bữa cơm hộp ăn vội, những giấc ngủ chập chờn… cho tôi những cảm xúc thật khó tả.

leftcenterrightdel
Xuân Me trong một lần gặp gỡ Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn. Ảnh: NVCC 
 

Rồi những lần có mặt tại “chiến trường” chống dịch, tận mắt chứng kiến hình ảnh cấp ủy, chính quyền, người dân vận động “chia ngọt sẻ bùi”, chủ nhà trọ miễn phí/giảm giá tiền thuê trọ cho công nhân lao động, tự mình đi xay xát gạo, mua nhu yếu phẩm cho công nhân tại phòng trọ ở những khu vực phong tỏa, cách ly y tế… mỗi hình ảnh đều để lại trong tôi những cung bậc cảm xúc riêng mà lần đầu tiên trong đời tôi được nếm trải. Với tôi, tất cả đều là những kỷ niệm trân quý.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, không chỉ riêng tôi mà hầu hết các bộ phận như biên tập viên, kỹ thuật viên, xưởng in, Ban Biên tập của Báo Bắc Ninh thường xuyên phải thức trắng đêm. Lần đầu tiên chúng tôi thực sự biết thế nào là phóng viên “chiến trường”, tòa soạn “thời chiến”. Những tin tức hiện trường đã lên khuôn liên tục phải điều chỉnh bởi tính thời sự. Những văn bản hỏa tốc của các cấp, ngành đều được đẩy “thần tốc” lên trang…

Vượt qua mọi khó khăn, thử thách và mục tiêu trên hết là truyền tải thông tin đến độc giả kịp thời, đó là niềm hạnh phúc của mỗi phóng viên, của mỗi người làm báo.

+ Cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn!

Hải Hà