Bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống

Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung, các giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ các DTTS nói riêng đã được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.    

Ngay từ rất sớm, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 84/2006 quy định về một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS. Ở các địa phương, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ DTTS tuy có nhiều khó khăn, bất cập nhưng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm các địa phương thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, lễ hội dân gian truyền thống. Đặc biệt, vào dịp Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam 18/11... Qua đó tạo ra môi trường văn hóa sinh động, phù hợp và hiệu quả cho nghệ thuật trình diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ các DTTS được bảo tồn, phát huy.

Qua thống kê, hiện nay các huyện miền núi có 61 câu lạc bộ dân ca, dân nhạc, dân vũ DTTS và hàng trăm đội văn nghệ cấp xã, cấp xóm bản được thành lập đi vào hoạt động tốt, khẳng định được giá trị và sức sống của di sản cũng như sự nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS tỉnh nhà.

Đoàn Ca múa miền núi Nghệ Tĩnh được thành lập, trước kia là tiền thân của Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Nghệ An (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh) xây dựng được nhiều vở diễn, tiết mục dân ca, dân nhạc, dân vũ các DTTS giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, góp phần nghiên cứu, lập hồ sơ liên quan đến công tác bảo tồn dân ca, dân nhạc, dân vũ 5 DTTS trong tỉnh.

Hiện nay, ở các làng, bản, khối, thôn… vùng đồng bào DTTS đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để xây dựng các nhà văn hoá, nhà văn hóa công đồng, sân bóng chuyền, sân vận động… làm nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hoá - văn nghệ và hội họp chung của cộng đồng. Công tác đào tạo đội ngũ những người hoạt động văn hoá, nghệ thuật vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa từng bước được chú trọng.

Một số di sản văn hoá của vùng đồng bào các DTTS được tôn vinh, đặc biệt các câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng dân tộc Thổ, Thái được củng cố, thành lập mới.

Bên cạnh đó, tăng cường giao lưu văn hoá qua các hoạt động mang tính chất vùng, miền góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tạo điều kiện để đồng bào các DTTS được giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, làm cho nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tiếp tục được khơi dậy, bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng.

Du nhập, giao thoa nhưng gìn giữ, không bị mai một di sản văn hóa

Bước vào thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS miền Tây cũng như tỉnh Nghệ An nói chung sẽ chịu tác động mạnh bởi bối cảnh trong nước và thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh và phức tạp. Đặc biệt, theo chủ trương xây dựng miền Tây xứ Nghệ là khu vực năng động và đậm đà bản sắc, gắn với việc phát triển kinh tế du lịch sẽ là một lợi thế lớn để đồng bào các DTTS có cơ hội để nhiều người biết đến, các giá trị của nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS trở thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn.

leftcenterrightdel
Lễ Đại tế (xớ thẻn, xớ đặm) đồng bào Thái ở lễ hội đền Chín Gian, huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Thống 
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp đã làm thay đổi không gian sản xuất và cư trú, cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch lao động từ nông thôn ra đô thị và ngoài tỉnh, việc tiếp thu, kết cấu văn hóa nông thôn mới… là nguyên nhân gây sức ép lên việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của các DTTS như: Đánh cồng chiêng, khắc luống, múa khèn hay hát lăm, khắp, nhuôn, xuôi, tơm, hát ru, rư ré, hay là cự xia, lù tẩu...

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết: Từ thực tế công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào DTTS hiện nay, thời gian tới, nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS, ngành sẽ đưa mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS vào Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, kế hoạch Nhà nước ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tập trung, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân toàn tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS.

Sở sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên là: Kiểm kê, sưu tầm xây dựng danh mục nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng các DTTS; phục dựng các di sản, lập hồ sơ nghệ nhân. Xây dựng ngân hàng dữ liệu số về dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc; biên soạn xuất bản các ấn phẩm về nghệ thuật trình diễn các DTTS phục vụ công tác lưu giữ, truyền dạy, phổ biến và quảng bá…

Đặc biệt, tham mưu cho tỉnh đưa dân ca, dân nhạc, dân vũ các DTTS vào các trường học phổ thông dạy cho học sinh; hỗ trợ bảo tồn không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống các DTTS; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho các nghệ nhân, người có uy tín cũng như tổ chức các cuộc vận động, mở đợt sáng tác âm nhạc, các tác phẩm múa dân gian; tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.

Xuân Thống