Âm vang tiếng trống mang hào khí cha ông trong hành trình dựng nước, giữ nước đã được tái hiện lại với sự tham gia của 6 đoàn nghệ thuật đến từ các vùng miền trong cả nước.

Sân khấu chính Nghinh Lương Đình được trưng bày giàn trống sấm Cửu Long gồm 9 chiếc, 50 trống hội được sắp đặt thành một tổng thể mỹ thuật ấn tượng. Khu vực diễn ra liên hoan được bố trí 5 cụm sân khấu nhỏ, cũng là nơi biểu diễn cho từng đoàn nghệ thuật.


“Âm vang hào khí Việt”, mỗi tiếng trống là sự cô đọng âm vang hào khí Việt của dân tộc. Tinh thần cốt lõi được truyền từ tiếng trống đồng dựng nước và giữ nước thuở Hùng Vương, đến tiếng vang đầy sinh khí của trống trận Mê Linh, Tây Sơn. Âm thanh của cuộc sống hòa bình, ấm no là tiếng trống chèo, trống Chăm và Cồng chiêng Tây Nguyên…

Chương trình do đạo diễn Lê Quý Dương viết kịch bản. Khởi đầu từ tiếng trống của Hội Cổ vật Thanh Hóa, cho đến tiếng trống trong Nhã nhạc cung đình Huế, tiếng trống, cồng chiêng Tây Nguyên, trống trận Tây Sơn, rồi đến tiếng trống của vùng đất Nam Bộ qua nhóm nhạc gõ Phù Đổng, cuối cùng là trống lân... Trải nghiệm mới lạ, đặc sắc, lễ hội đã tạo nên một dấu ấn khó quên đối với Festival Huế 2012.

Điều đặc biệt hơn nữa, sau lễ hội trống và các bộ nhạc cụ gõ dân tộc, Ban Tổ chức sẽ tặng trống cho các trường học còn khó khăn để giúp các em nhận thức và cảm xúc sâu sắc về bản sắc, truyền thống quý báu của cha ông để lại.

Nguyễn Thanh