Loài cây thanh thất được Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển (QLRPHVB) Thuận Nam phát hiện tại các con suối trong rừng rồi đem về nghiên cứu, trồng thử nghiệm ở vùng khô hạn cách đây 7 năm, bước đầu đã thích nghi, phát triển tốt trên rừng, đồi đất đá cằn cỗi.

Vùng khô hạn trở nên xanh mướt

Từ dưới chân đồi, phóng tầm mắt lên một khoảng rừng rộng tại tiểu khu 200C xã Phước Minh, huyện Thuận Nam giữa những đồi đất sỏi đá, những cây thanh thất vươn mầm xanh, tỏa bóng mát rượi.

Ông Lê Văn Hiệp, Phó Trưởng Ban QLRPHVB Thuận Nam cho biết, khu vực rừng ven biển Ninh Thuận đất đai nghèo chất dinh dưỡng, tỉ lệ đá lẫn cao nên việc trồng rừng khó khăn gấp bội phần những vùng đất khác.

“Chúng tôi đã tìm nhiều loại cây có khả năng chịu hạn như: Trôm, keo lai, phi lao, bạch đàn… nhưng kết quả không được như mong muốn. Bên cạnh đó, các loại cây trồng lên đều bị cừu, dê, bò của người dân chăn thả cắn phá, gây hư hại”, ông Hiệp nói.

leftcenterrightdel
 

Cây thanh thất tỏa bóng mát rượi. Ảnh: Khoa Lê

Quá trình đi kiểm tra thực tế tại rừng tự nhiên, các nhân viên ban quản lý rừng thấy cây thanh thất có ưu điểm chịu được khí hậu khô hạn nên đã đem hạt về gieo ươm trồng thử nghiệm.

Sau một thời gian, họ nhận thấy loại cây này sinh trưởng tốt. Đặc biệt cừu, dê, bò không cắn, phá được nên ban đã đề xuất trồng vào năm 2016.

“Cây thanh thất đã phủ xanh đồi núi sỏi đá, đất nghèo. Kết quả này khiến chúng tôi vô cùng vui mừng bởi lâu nay khó có loài cây sống được với điều kiện đất đá và khí hậu khô hạn, khắc nghiệt như ở vùng Thuận Nam này”, ông Hiệp bày tỏ.

Hiện tỉ lệ cây sống thanh thất đạt trên 90% so với mật độ trồng ban đầu, mùa hạn cây vẫn phát triển và sinh trưởng tốt. Chiều cao của cây 2-5m, đường kính gốc 8-12cm, đường kính tán 1,2-3m.

leftcenterrightdel
 

“Cõng” cây giống thanh thất len lỏi qua các dãy núi cao để trồng rừng. Ảnh: Khoa Lê

Mở hướng nâng cao độ che phủ rừng

Để đưa cây thanh thất từ vườn ươm lên các vị trí trồng, Ban QLRPHVB Thuận Nam phải thuê hàng trăm nhân công dùng gùi hoặc bao vải "cõng" cây đi bộ hàng chục kilomet đường rừng để trồng.

“Chúng tôi hay nói vui rằng “cõng” thanh thất đi trồng là công việc của những con ong đi tìm mật ngọt...”, ông Hiệp nói vui.

Đến nay Ban QLRPHVB Thuận Nam đã trồng được hơn 568ha cây thanh thất trên các địa bàn xã Phước Nam, Phước Minh và Phước Dinh.

Ông Hồ Sỹ Trung, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận nói: “Thời gian tới, ngành kiểm lâm phân vùng để lựa chọn các loại cây trồng cho phù hợp nhằm tăng tỉ lệ che phủ của rừng ở Ninh Thuận đạt 49%”.

Cây thanh thất (tên khoa học Ailanthus triphysa) hay còn có tên gọi khác là cây bút, thuộc họ thanh thất (Simaroubaceae). Đây là loài cây gỗ lớn, có thể cao tới 30m, có đường kính 1,2m, thân tròn thẳng, phân cành cao, vỏ xám nâu, có mùi hắc... Ở Việt Nam, cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, phân bố ở độ cao từ 60 - 1.500m so với mực nước biển.

Khoa Lê