Có 866.946/900.079 thí sinh làm thủ tục dự thi

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được chia làm 2 đợt, trong đó đợt 1 diễn ra từ ngày 8- 10/8. Đợt 2 tiến hành sau đó cho các thí sinh ở Đà Nẵng, một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam và các thí sinh thuộc diện F1, F2 trên cả nước.

Báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có 900.079 thí sinh đăng ký dự thi, trong buổi đầu tiên làm thủ tục dự thi có 866.946 đạt tỷ lệ 96,3% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số thí sinh không đến làm thủ tục dự thi 32.229, chiếm tỷ lệ 3,58%; trong đó, tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không thể dự thi là 26.168 chiếm tỷ lệ 2,91% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi gồm Đà Nẵng có 10.955 thí sinh; Quảng Nam có 9.065 thí sinh; Đắk Lắk có 5.396 thí sinh; Quảng Ngãi có 355 thí sinh; Lạng Sơn có 280 thí sinh; Quảng Trị có 52 thí sinh; Thừa Thiên - Huế có 18 thí sinh; Gia Lai và Quảng Bình cùng có 8 thí sinh; Hà Nội có 5 thí sinh; Bình Định có 4 thí sinh; Đắk Nông, Yên Bái, Hà Giang cùng có 3 thí sinh; Kon Tum, Nghệ An, Hải Phòng và Phú Yên cùng có 1 thí sinh.

Có thể nói, ngày làm thủ tục dự thi đã diễn ra thuận lợi trên tất cả các điểm thi. Các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được các địa phương chuẩn bị chu đáo; thời tiết tốt tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thi. Một số thí sinh chưa đến làm thủ tục sẽ tiếp tục làm thủ tục vào đầu buổi sáng ngày 9/8/2020.

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các hội đồng thi nắm bắt tình hình cụ thể của từng thí sinh và trong trường hợp cần thiết phải báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để có phương án xử lý phù hợp vừa đúng quy chế vừa bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Các điểm thi thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch

Bắt đầu từ 14 giờ chiều, các thí sinh dự thi đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chính thức đến điểm thi, nhận phòng thi, làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.

Hà Nội là địa phương có số thí sinh đông nhất cả nước với gần 80.000 em. Toàn thành phố có 143 điểm, 3.612 phòng thi, trong đó có 286 phòng thi dự phòng (mỗi điểm thi có 2 phòng thi dự phòng). 320 cán bộ giáo viên được điều động làm nhiệm vụ thanh tra coi thi trực tiếp tại các điểm thi (mỗi điểm thi ít nhất 1 thành viên, tăng cường thanh tra một số điểm thi dự kiến là "nóng") ...

Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội đã thành lập 30 đoàn kiểm tra đi kiểm tra tại tất cả các điểm thi trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc triển khai, duy trì các biện pháp ngăn ngừa dịch. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị tổ chức kỳ thi tại tất cả các điểm thi đã hoàn tất.

leftcenterrightdel
Thí sinh thực hiện sát trùng tay trước khi vào phòng thi. Ảnh: VA 

Điểm thi Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội - điểm thi lớn thứ 2 của Hà Nội với 36 phòng thi và 864 thí sinh đăng kí dự thi. Điểm thi này có 18 cán bộ giám sát, 72 cán bộ coi thi, 5 thanh tra đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trường THCS Hoàng Liệt đã bố trí hệ thống rửa tay sát khuẩn tự động, lực lượng y tế đã hỗ trợ đo thân nhiệt cho học sinh ngay khi vào trường thi. Nhà trường đã chuẩn bị 36 phòng thi với đầy đủ bàn ghế, bảng, ánh sáng. Các quy định về khoảng cách thí sinh trong phòng thi, các cửa sổ phòng thi được bảo đảm. Nhà trường cũng bố trí 2 phòng chờ, 2 phòng thi dự phòng, 1 phòng cách li. Phòng y tế được chuẩn bị đầy đủ thuốc men và nhiệt kế điện tử.

Việc khử khuẩn, vệ sinh các phòng thi được thực hiện nghiêm túc. Các cán bộ giáo viên đã tiến hành dọn dẹp, vệ sinh trường, phun thuốc khử khuẩn. Ngoài ra, nhà trường bố trí nước rửa tay khô ở cổng trường và các phòng thi.

Còn tại điểm thi tại Trường THPT Đồng Quan ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, ngay tại cổng trường các thí sinh đã được cấp phát khẩu trang, nước uống và dùng nước rửa tay khử khuẩn phòng dịch. Nhà trường có bố trí cán bộ y tế tại điểm thi để kiểm tra thân nhiệt cho thí sinh vào đăng ký dự thi.

Tại các điểm thi của huyện Hoài Đức, Nam Từ Liêm, công tác kiểm dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Từ 13h, thí sinh bắt đầu tới điểm thi để làm thủ tục.

Điểm thi cũng yêu cầu thí sinh nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như rửa tay với nước sạch và xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách, tránh tụ tập đông người trước và sau khi thi, đảm bảo giãn cách.

Theo ghi nhận của phóng viên tại các điểm thi, hầu hết các thí sinh và giáo viên đều mang khẩu trang y tế phòng dịch, không cần nhắc nhở và kiểm tra thân nhiệt ngay từ cổng ra vào. Thí sinh được nhắc nhở nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ốm, ho, sốt hoặc khó thở...  phải báo ngay cho điểm thi để được xử lý kịp thời.

Tại một số điểm thi, hầu hết các thí sinh tự đến các điểm thi, chỉ có một số ít thí sinh ở xa mới được phụ huynh chở đi làm thủ tục đăng ký dự thi.

Có rất ít phụ huynh tụ tập trước các điểm thi để chở con. Họ đều có ý thức trong việc thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang để phòng COVID-19. Họ tập trung thành các nhóm từ 2-4 người ngồi ở các vị trí rợp mát trong công viên để chờ con đến làm thủ tục dự thi.

Dù hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm Kỳ thi an toàn, đúng quy chế

Ngay trong buổi thi đầu tiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đến kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại điểm thi Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại điểm thi Trường THCS Nam Từ Liêm, đúng giờ quy định các thí sinh có mặt ở phòng thi. Theo ghi nhận của phóng viên, trước khi vào điểm thi, thí sinh được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn. Ở điểm thi này có bố trí 1 phòng cách ly, 1 phòng y tế để phòng trường hợp thí sinh có những biểu hiện về dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác y tế tại điểm thi Trường THCS Nam Từ Liêm. Ảnh: PH 

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại điểm trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo các phòng thi dự phòng. Phòng y tế được bố trí đầy đủ cán bộ y tế, khẩu trang, cơ số thuốc…

Sự chủ động, tích cực của lãnh đạo TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo thi TP cũng như các địa phương trên cả nước trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, từ việc phòng, chống dịch bệnh đến thực hiện nghiêm túc theo quy chế thi.

Theo Bộ trưởng, kỳ thi năm nay, các địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thí sinh diện F1, F2 sẽ thi lùi lại đợt sau. Bộ GD&ĐT đã có những phương án chu đáo, bảo đảm công bằng, an toàn cho thí sinh thi ở cả 2 đợt.

"Cần tiếp tục rà soát các đối tượng F1, F2. Dù đến ngày thi, nhưng nếu phát hiện đối tượng này, vẫn bố trí các em thi ở đợt sau để bảo đảm an toàn", Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương trên cả nước triển khai công tác coi thi nghiêm túc; dù hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm Kỳ thi an toàn, đúng quy chế. 

Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của trưởng điểm thi, theo Bộ trưởng, trước mỗi môn thi, các điểm trưởng cần quán triệt những nội dung chính về nghiệp vụ coi thi cho cán bộ coi thi, nhất định không được chủ quan. Dù mỗi cán bộ đã được tập kỹ, nhưng việc quán triệt lại nghiệp vụ coi thi là cần thiết.

Năm 2019, lực lượng cán bộ, giảng viên đại học được huy động tham gia công tác này khoảng 50.000. Đây là con số lớn, không bảo đảm an toàn trong tình hình dịch bệnh năm nay. Tuy nhiên, lực lượng từ các trường đại học sẽ tham gia vào công tác thanh tra, giám sát với khoảng 6.000 người. Đội ngũ này đã được tập huấn; các trường đại học cũng nâng cao trách nhiệm và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Sáng mai (9/8), các thí sinh dự môn thi đầu tiên Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Buổi chiều các thí sinh dự thi môn Toán, thời gian 90 phút.

Ngày 10/8, các thí sinh dự thi bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), thời gian 50 phút/môn và Ngoại ngữ.

Lê Phương