Văn bản nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2179/BGD&ĐT-KHTC ngày 13/5/2024 và Công văn số 4916/BGD&ĐT ngày 30/8/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024 - 2025.

Thời gian qua, bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền đóng học phí theo quy định của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trên địa bàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự quan tâm chăm lo của các tỉnh, thành phố cho công tác giáo dục và chia sẻ khó khăn với các phụ huynh, học sinh.

Cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão vừa qua đã ảnh hưởng rất nặng nề đến nhiều tỉnh, thành phố. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục căn cứ mức độ thiệt hại của người dân, xem xét, quyết định hỗ trợ học phí, không thu học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật hiện hành để chia sẻ, hỗ trợ phụ huynh và học sinh, đặc biệt đối với học sinh vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với sinh viên bị thiệt hại sau cơn bão số 3.

Để tiếp tục hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão lũ sớm ổn định việc học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện việc miễn, giảm học phí và có các chế độ hỗ trợ tài chính phù hợp với hoàn cảnh của từng sinh viên.

Đồng thời, hướng dẫn sinh viên liên hệ với chính quyền địa phương đề nghị xác nhận trường hợp gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính để xin vay vốn tín dụng, hỗ trợ việc học tập.

Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo từ 23/27 tỉnh, thành phố cho thấy nước đang rút dần và các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng quân đội, công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức dạy học lại vào thứ Hai ngày 16/9. Tuy nhiên, còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm có: Lào Cai (83 trường/điểm trường), Cao Bằng (1 trường), Bắc Kạn (3 trường), Tuyên Quang (1 trường), Yên Bái (3 trường), Bắc Giang (8 trường).

Đến nay, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.

Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.

Theo số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, tính đến thời điểm ngày 16/9, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng; hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa.

Cụ thể, thiệt hại về cơ sở vật chất là 514.730 triệu đồng. Trong đó, giáo dục mầm non thiệt hại 117.637 triệu đồng; giáo dục tiểu học thiệt hại 139.515 triệu đồng; trung học cơ sở thiệt hại 142.044 triệu đồng; trung học phổ thông thiệt hại 115.534 triệu đồng.

Thiệt hại về trang thiết bị dạy học là 745.801 triệu đồng. Trong đó, giáo dục mầm non thiệt hại 306.618 triệu đồng; giáo dục tiểu học thiệt hại 169.514 triệu đồng; trung học cơ sở thiệt hại 156.028 triệu đồng; trung học phổ thông thiệt hại 113.642 triệu đồng.

Thiệt hại về sách giáo khoa là 41.564 bộ sách. Trong đó, giáo dục tiểu học thiệt hại 23.943 bộ sách; trung học cơ sở thiệt hại 10.598 bộ sách; trung học phổ thông thiệt hại 7.023 bộ sách.

Lê Phương