Bài học đắt giá

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm là một môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học sẽ là môn Hoạt động trải nghiệm để trải nghiệm thực tiễn đời sống gia đình, nhà trường và xã hội; ở cấp THCS và THPT sẽ là môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Thực tế cho thấy, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa ngoài nhà trường là cần thiết cho học sinh, mang đến những trải nghiệm cho các em, gắn học với hành, lý thuyết đi đôi với thực tế. Tuy nhiên, thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra không ít những vụ tai nạn thương tâm khi học sinh tham gia các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm.

Vụ việc đau lòng mới đây xảy ra khi học sinh một trường tư thục ở Hà Nội đi trải nghiệm bắt ngao tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định) khiến một học sinh và một phụ huynh tử vong, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường.

Trước đó không lâu, vào tháng 2/2023 cũng đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 1 học sinh lớp 11 của Trường THPT Lý Thánh Tông (Hà Nội) tử vong khi tham gia dã ngoại do nhà trường tổ chức tại Hoà Bình…

Từ những vụ tai nạn đau xót xảy ra, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng, có nên cho con tham gia hoạt động dã ngoại, trải nghiệm không? Có ý kiến cho rằng, không vì xảy ra sự cố mà cấm học sinh trải nghiệm thực tế, thay vào đó cần tính toán cách tổ chức làm sao cho an toàn?

Chị Nguyễn Thị Hồng, phụ huynh có con đang học tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, trước khi kết thúc năm học, lớp con gái chị cũng tổ chức đi dã ngoại ở Kim Bôi, Hòa Bình. Việc tổ chức được ban phụ huynh lên kế hoạch, sắp xếp và đi “tiền trạm” trước cả tháng. Được đi chơi xa, các bạn đều rất háo hức. Đến phút chốt danh sách lên đường, chỉ có một nửa lớp tham gia. Có phụ huynh băn khoăn về khoản tiền đóng góp. Không ít phụ huynh lo lắng con đi chơi xa không an toàn. Rất may, chuyến đi không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Theo chị Hồng, những điểm học sinh đến trải nghiệm thường là những nơi mới lạ, gắn với thiên nhiên hoặc những trò chơi mạo hiểm, thu hút trí tò mò của học sinh. Trong khi các em học sinh lại rất hiếu động và còn thiếu kỹ năng sống nên dễ tiềm ẩn những rủi ro. Do vậy, khi tổ chức cho học sinh đi dã ngoại cần hết sức thận trọng, đặt an toàn của học sinh lên hàng đầu.

Cho rằng hoạt động trải nghiệm là cần thiết với học sinh, anh Phạm Vũ Hiếu, có con học Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, hoạt động trải nghiệm là nội dung có trong chương trình giáo dục, hầu hết phụ huynh học sinh đều ủng hộ và mong muốn các con có thêm nhiều trải nghiệm ngoài nhà trường, nhất là vào dịp chuẩn bị nghỉ hè.

“Thay vì sợ rủi ro, cấm triệt để thì cần có sự chuẩn bị chu đáo để bảo đảm an toàn cho các thành viên. Nhà trường chủ trì tổ chức thì phải thực hiện theo quy định của ngành. Phụ huynh chủ trì thì cần có kế hoạch chu đáo với các phương án bảo đảm an toàn. Những sự cố xảy ra vừa qua là bài học đắt giá để nhà trường, phụ huynh cẩn trọng hơn trong khâu tổ chức, quản lý học sinh..." - anh Hiếu nói.

Đặt an toàn lên hàng đầu

Bàn về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm: Không thể vì xảy ra những sự cố, những vụ tai nạn đau lòng mà cấm các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm của học sinh.

Tuy nhiên, ông Phạm Tất Dong cũng nhấn mạnh, khi tổ chức, nhà trường, đơn vị tổ chức phải đặt yếu tố an toàn của học sinh lên hàng đầu; có cách tổ chức quản lý thế nào để có thể lường trước về tình huống nguy hiểm hoặc nguy cơ cao để hạn chế tối đa.

Chẳng hạn, với những trò chơi mạo hiểm hoặc khu vực nguy hiểm, nhà trường cần phải kiểm tra và bố trí cán bộ phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ, đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh; cần phải có những cảnh báo, có công cụ phương tiện và nhân lực hỗ trợ cũng như phải ưu tiên lựa chọn các đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm trong việc tham gia tổ chức các hoạt động này.

Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ: Hoạt động trải nghiệm nằm trong kế hoạch năm học theo chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội. Do vậy, hàng năm, nhà trường có tổ chức cho học sinh tham gia.

Khi xây dựng kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa, yếu tố an toàn luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Trước tiên là phải chọn lựa những địa điểm an toàn và đích thân ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh phải đi “tiền trạm”. Nếu thấy an toàn cả về địa điểm, về thực phẩm và phù hợp với lứa tuổi, với mục tiêu mà chuyến đi hướng tới thì mới quyết định tổ chức. Chương trình được Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt trước khi nhà trường đưa học sinh đi.

Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương nhấn mạnh, hoạt động trải nghiệm là một trong những nội dung trong chương trình giáo dục. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, sở yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện nghiêm các quy định liên quan, hạn chế tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát.

Thời gian vừa qua, về cơ bản, hoạt động thăm quan, ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh được các nhà trường thực hiện tốt và mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình giáo dục toàn diện của học sinh. Quy trình thực hiện đã được sở ban hành từ năm 2019.

Theo đó, trước khi tổ chức, nhà trường phải xây dựng kế hoạch, làm rõ thành phần tham gia, đơn vị thực hiện; thời gian, địa điểm, lịch trình, kinh phí tổ chức, phương án bảo đảm an toàn và lịch học bù cho học sinh (nếu tổ chức vào ngày không được nghỉ theo quy định). Sau đó, nhà trường gửi hồ sơ xin phê duyệt kế hoạch tổ chức đến cấp quản lý trực tiếp. Hồ sơ phải được gửi 7 ngày trước khi thực hiện.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, nhà trường chỉ được thực hiện kế hoạch khi đã được cấp quản lý trực tiếp phê duyệt. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác tổ chức hoạt động thăm quan, ngoại khóa của đơn vị mình. Với các hoạt động do cha mẹ học sinh tổ chức, sở khuyến cáo nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt trước khi triển khai để bảo đảm an toàn cho con em mình trong suốt quá trình tham gia…

Hải Hà