Kể từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đến nay, sau 4 năm triển khai thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn ở cấp THCS, trong đó có môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các môn tích hợp vẫn chưa tạo ra sự yên tâm cho giáo viên và học sinh ở các trường THCS.

Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới ở cấp THCS. Trước thời điểm năm học diễn ra, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS. 

Trên cơ sở đó, các địa phương đã kết hợp với trường sư phạm mở một số lớp bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên 2 môn học tích hợp nhưng có nơi khi giáo viên bồi dưỡng xong, phần nhiều vẫn đang bố trí, phân công dạy theo phân môn.

Bên cạnh đó, Bộ cũng nhiều lần có văn bản hướng dẫn về các môn học tích hợp cũng như ban hành các quyết định về chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Theo đó, giáo viên đảm nhận môn tích hợp có thể đi bồi dưỡng ở các trường đại học sư phạm, các trường đại học có khoa sư phạm... Thời gian tập huấn là 3 tháng. Kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; do người học tự đóng góp.

Nhiều trường học cũng đã quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn tại trường hoặc theo cụm trường; chọn bài, tổ chức dạy thử rút kinh nghiệm; tổ chức xem băng hình để nắm rõ hơn về quy trình, cách thức tổ chức dạy học từng môn; bồi dưỡng về phương pháp dạy học, nghiên cứu bài học, chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác và sử dụng thành thạo học liệu điện tử. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đảm bảo đủ các bước: Xây dựng bài học minh họa; tổ chức dạy học minh họa và dự giờ; phân tích bài học; vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hằng ngày.

Tuy nhiên, để có thể dạy và học tốt chương trình mới vẫn cần có thời gian và lộ trình cụ thể để các nhà trường, giáo viên và học sinh cùng thích ứng.

Cô Vũ Thị Thúy, giáo viên dạy môn Địa lý một trường THCS trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho biết, khi chuyển sang dạy tích hợp môn Lịch sử và Địa lý, cô đã gặp không ít khó khăn, bởi đặc thù của 2 môn học này có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, quá trình giảng dạy, ngoài phần kiến thức của bộ môn Địa lý theo đúng chuyên ngành, cô phải tự học hỏi thêm kiến thức của môn Lịch sử để có thể từng bước dạy học sinh.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thu Linh, giáo viên môn Lịch sử cấp THCS cho biết, không chỉ cô mà nhiều giáo viên môn tích hợp gặp nhiều khó khăn bởi mỗi người hầu như chỉ được đào tạo một chuyên ngành, có một thế mạnh, dạy một bộ môn đã nhiều năm, giờ đây phải giảng dạy môn học mà có 1 - 2 phân môn không thực sự am hiểu thì khó có thể tự tin đứng lớp.

Theo khảo sát của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hện nay, chỉ 4% giáo viên tự tin giảng dạy môn tích hợp do việc đào tạo này ở nhiều nơi mới dừng ở mức khai vỡ, còn đào tạo “thực chiến” vẫn hạn chế dẫn đến giáo viên gặp lúng túng khi triển khai. Ngược lại, có một số giáo viên sau khi được bồi dưỡng và tự rèn luyện tích cực, khi trở về trường lại không có điều kiện để giảng dạy trong thực tiễn vì các điều kiện khác nhau.

Khảo sát cũng cho thấy, việc bố trí giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học vẫn luôn là bài toán khó, nhất là đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa. Các khó khăn chủ yếu của các địa phương, cơ sở giáo dục là thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị và vật dụng thí nghiệm, lúng túng trong tổ chức thực hiện hoạt động, trong tổ chức kiểm tra đánh giá và khó khăn về kinh phí.

Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội còn bất cập khi các thầy, cô giáo trong trường đều là đơn môn, không có thầy, cô giáo nào được học đầy đủ tất cả các môn tích hợp, nhà trường phải phân công mỗi giáo viên đảm nhiệm 1 phần kiến thức trong môn tích hợp để đảm bảo truyền tải đến học sinh. Cơ cấu giáo viên không đồng đều giữa các phân môn để đảm bảo dạy đúng chuyên môn. Một số giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn tích hợp hoặc không được đào tạo đầy đủ, chưa đủ điều kiện, tự tin để dạy được các chủ đề trong chương trình môn học.

Nhiều giáo viên cho rằng, việc dạy tích hợp ở bậc THCS gây ra không ít khó khăn cho các thầy, cô giáo, nhất là giáo viên ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vì điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện chuyên môn và nhiều vấn đề liên quan khác.

Một nguyên nhân nữa là sách giáo khoa môn tích hợp vẫn được biên soạn theo những phân môn độc lập riêng biệt, không mang tính tích hợp về nội dung. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều thầy, cô giáo cùng dạy một quyển sách và cùng chấm một bài khi kiểm tra, phân chia thời khóa biểu.

Thực tế trong những năm qua, nhiều trường học trên cả nước, trong đó có một số trường học thuộc vực miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn bố trí giáo viên dạy theo từng phân môn riêng lẻ. Bên cạnh các môn tích hợp, nhiều trường không có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học nên tất cả các giáo viên còn lại đều phải kiêm nhiệm thêm một trong các môn học này, dù không có chuyên môn.

Nhiều trường đang phải điều giáo viên bố trí “2 trong 1”, “3 trong 1”, thậm chí nhiều hơn. Trong khi đó, với những lớp học, cấp học thấp hơn thì việc đảm bảo kiến thức nhiều giáo viên còn cố gắng nỗ lực, nhưng với những lớp học cao hơn như từ lớp 8 trở lên, điều này sẽ không hiệu quả vì chương trình nặng, đòi hỏi chuyên môn sâu.

Để gỡ rối, giữa tháng 8/2023, tại buổi gặp gỡ với đội ngũ nhà giáo trên cả nước, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ xem xét, điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đến cuối tháng 10/2023, Bộ GDĐT có văn bản gửi các trường trung học và bước đầu đưa ra những gợi mở về xây dựng kế hoạch dạy học các môn tích hợp.

Đồng thời, lưu ý các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với mạch nội dung, linh hoạt để xếp thời khóa biểu được khoa học, bảo đảm tính sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên. Về kiểm tra, đánh giá, thầy cô chủ trì môn học ở mỗi lớp sẽ phối hợp với giáo viên khác để thống nhất điểm. Phạm vi đề, nội dung bài kiểm tra định kỳ cần được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình.

Đầu năm 2024, Bộ GDĐT cũng ban hành các quyết định cho phép Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Vinh đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý trình độ đại học từ năm 2024.

Thời điểm hiện tại, khi chưa có giáo viên liên môn, các trường vẫn đang nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì bồi dưỡng tại chỗ cho giáo viên phụ trách các môn học trên nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy. 

Lê Phương