Trong số gần 300 giáo viên có nguy cơ mất việc, nhiều người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho ngành Giáo dục, không ít người đã lên chức ông, chức bà, và có người sắp đến tuổi nghỉ hưu...

Cô Danh Thị Minh Thanh là 1 trong số đó. Là con gia đình chính sách, bố người Campuchia, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp cô có dự định hồi hương nhưng vì nhiều lý do cô đã ở lại mảnh đất Sóc Sơn cống hiến cho ngành Giáo dục. 

Về Trường THCS Hiền Ninh từ những năm 1994 đến nay đã 24 năm, trong 24 năm ấy, cô chưa 1 lần được thi viên chức. "Năm 1997-1998 có 1 kỳ thi viên chức, nhưng tôi không kịp tham gia vì không đổi kịp quốc tịch. Từ đó đến nay, huyện Sóc Sơn chưa tổ chức 1 kỳ thi viên chức nào cho giáo viên dạy môn Văn, nên tôi vẫn phải “đeo mác”… hợp đồng" - cô Thanh nhớ lại.

Kể về lịch sử "hợp đồng" của mình, cô nói: "Tôi thấy hợp đồng lúc thì ghi 1 năm, lúc ghi 9 tháng, nhưng tôi vẫn được nâng lương đều đều, nên không để ý. Thời tôi học không có tin học, không có ngoại ngữ bây giờ yêu cầu tôi đi thi viên chức có môn bắt buộc tiếng Anh thì tôi thi thế nào? Thật bất công!

Cô Danh Thị Minh Thanh 24 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, tóc đã điểm bạc giờ đang đứng trước nguy cơ mất việc. Ảnh: HH

Nói về hoàn cảnh của mình, cô Thanhh không kìm được nước mắt: "Tôi là thu nhập chính trong gia đình, một tay nuôi 2 con ăn học. Một cháu sinh viên năm 3 Học viện Ngân hàng, một cháu năm nhất Trường Đại học Mở Hà Nội. Để có tiền nuôi con tôi làm thêm đủ nghề, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn".

Cô Thanh chia sẻ: “Bản thân tôi bị rất nhiều bệnh hiểm nghèo, 18 năm liền chữa bệnh mãn tính nhưng rồi phải bỏ giữa chừng vì không có tiền mua thuốc. Những ngày này tôi đang phải đối mặt với những cơn đau tức do bệnh tim tái phát”.

Chung cảnh ngộ, cô Nguyễn Thanh Hường - Giáo viên Trường THCS Minh Phú tâm sự: Về giảng dạy tại trường từ những năm 1999-2000, tôi luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng là chiến sĩ thi đua cơ sở, rồi lao động giỏi cấp huyện. Mặc dù dạy hợp đồng nhưng vẫn được tăng lương định kỳ như những giáo viên khác...

Cuối năm 2018, tôi nhận tin sét đánh mình bị ung thư dạ dày, bác sĩ đã phải cắt bỏ hoàn toàn. Từ đó đến nay mỗi tháng tôi phải xuống bệnh viện hóa trị 1 lần. Với đồng lương ít hỏi 10 triệu/tháng của cả 2 vợ chồng, để có tiền chữa bệnh tôi đã phải vay mượn. 

Chưa hết đau đớn về bệnh tật, tháng nay tôi lại nhận được tin mình có nguy cơ mất việc, trong lòng "như có lửa đốt".

Kể về cuộc đời mình, cô Đào Thu Hằng mắt ngấn lệ. Ảnh: HH

Hoàn cảnh gia đình tôi hiện tại rất khó khăn. Nhà 3 con ăn học, 1 cháu lớp 10, 1 cháu lớp 8, cháu nhỏ nhất mới hơn 4 tuổi. Gia đình hiện tại rất khó khăn, tôi đau ốm không làm được việc nặng, chồng làm nghề tự do công việc không ổn định. Bệnh tật rồi thêm mất việc. Giờ chỉ biết gạt nước mắt vì không biết tương lai sẽ ra sao, làm gì để sống?

Chia sẻ với chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ tềnh toàng, cô Đào Thu Hằng - giáo viên dạy Tin học, Trường THCS Phù Ninh ngậm ngùi: Gia đình mình hoàn cảnh lắm, chồng trốn vì nợ nần, 3 mẹ con ở nhà nuôi nhau, cháu nhỏ mới 5 tuổi. Cả gia đình phụ thuộc vào tôi, tôi mất việc thì con cái tôi sẽ như thế nào?

Cả tháng nay, tôi mất ăn mất ngủ, tới ngày 13/4/2019 là hết hạn nộp hồ sơ thi viên chức, không nộp hồ sơ cũng bị cắt hợp đồng mà nộp thi không đỗ cũng bị cắt. Bản thân tôi từng thi 1 lần, được điểm cao, nhưng vẫn trượt.  

Hiện tại tổng lương của tôi cũng chỉ được 3,9 triệu đồng/tháng, phải trồng trọt chăn nuôi thêm để trang trải học hành cho con cái. Cuộc sống rất vất vả.

Những giáo viên công tác lâu năm trong ngành Giáo dục như chị Thanh, chị Hường, chị Hằng... hàng ngày đang phải chịu không ít thiệt thòi so với các đồng nghiệp khác, các chị không được hưởng phụ cấp thâm niên, không được tiền đứng lớp... và giờ đây các chị lại đang phải chịu thêm thiệt thòi bởi kỳ thi tuyển viên chức có những quy định được cho là thiếu công bằng.

Nhiều đơn kêu cứu đã được gửi tới các cơ quan chức năng. Đại diện Phòng Nội vụ, UBND huyện Sóc Sơn thì khẳng định, đã làm hết trách nhiệm của mình?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Hải Hà