56 năm chở “khách” qua sông

Xưa nay nhà giáo vẫn được ví là những "người đưa đò" chở "khách" qua sông, và thầy Vũ Tất Tạo - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lê Ngọc Hân (Hà Nội) đã lặng lẽ gắn gó với nghề “đưa đò” suốt 56 năm qua.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962, khi mới ra trường, thầy về giảng dạy tại Trường Sư phạm cấp 2 Hà Bắc, sau đó được Bộ Giáo dục điều về công tác tại Vụ Sư phạm, tham gia biên soạn chương trình Toán 10+2. Năm 1970 - hết thời gian công tác trên Bộ, thầy xin về dạy tại Trường THPT Yên Viên và gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu.

Mặc dù, đã đến tuổi được nghỉ ngơi, nhưng với lòng “say” nghề, thầy vẫn tiếp tục sự nghiệp “chèo đò” tại Trường THPT Lê Ngọc Hân cho đến ngày hôm nay.

Trường THPT Lê Ngọc Hân được biết đến là ngôi trường dân lập, nằm ở vùng ngoại ô Thủ đô Hà Nội. Học sinh lớp 10 vào trường chỉ cần có nguyện vọng và hồ sơ hợp lệ mà không cần điểm chuẩn. Mặc dù “đầu vào” của trường thấp như vậy, nhưng “đầu ra” phải ngang bằng với các trường THPT trên cả nước. Làm thế nào để làm nên được kỳ tích đó trong 3 năm học?

Đứng trước yêu cầu đó, thầy Vũ Tất Tạo đã bàn bạc và đưa ra giải pháp khắc phục bằng cách tăng tiết học cho cả 3 khối với mô hình: Khối 10 - 32 tiết/ tuần, khối 11 - 39 tiết/ tuần, khối 12 - 42 tiết/ tuần. Đặc biệt, với học sinh khối 12 nhà trường đã sàng lọc lực học của học sinh qua việc tổ chức thi thử từ tháng 3 đến tháng 6, mỗi tháng 1 lần, học sinh có điểm thi đạt Nhất, Nhì, Ba sẽ được khen thưởng để khích lệ tinh thần học tập, đồng thời qua thi thử cũng lọc ra những học sinh học lực yếu kém ở từng môn để phụ đạo mà không thu tiền.

Kiên trì với cách làm đó, từ ngôi trường có “đầu vào” thấp, trường đã đạt “đầu ra” ấn tượng. 5 năm trở lại đây, có 3 năm tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường đạt 100%, 2 năm đạt hơn 96% - trên mức trung bình của cả nước.

56 năm làm nghề “chèo đò” chở "khách" qua sông, thầy Vũ Tất Tạo vui mừng chia sẻ, có nhiều “vị khách” đã thành đạt, và cứ 20/11 hàng năm lại quay trở về tri ân “người đưa đò” năm nào. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, là động lực lớn lao nhất để “người đưa đò” Vũ Tất Tạo mặc dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày vẫn lặng lẽ… “chèo đò”.

Thắp “ngọn đuốc” đam mê…

Chưa có nhiều năm “chèo đò” như thầy Vũ Tất Tạo, cô giáo Tạ Thị Thanh Lê - Trường THPT Tùng Thiện với hơn 10 năm chở "khách" sang sông đã bước đầu gặt hái những thành công. Ở năm học vừa qua, cô vinh dự là một trong những tấm gương “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.

Cô tâm sự: Dạy học chỉ bằng tấm lòng thôi chưa đủ mà người giáo viên cần phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo, tự học để vừa là người “giữ lửa”, vừa là người “truyền lửa” đốt lên “ngọn đuốc” đam mê học tập trong mỗi học trò.

Là giáo viên dạy Tiếng Anh tại ngôi trường ở vùng nông thôn, cô Lê luôn trăn trở bởi học sinh ở đây mặc dù được làm quen với Tiếng Anh từ rất sớm, nhưng chỉ chăm chăm học ngữ pháp, hay từ mới, còn việc giao tiếp rất hạn chế. Thực tế đó đã thôi thúc cô Lê đổi mới phương pháp dạy và học Tiếng Anh.

Liên tục từ khi về trường cô đã đúc rút làm các sáng kiến kinh nghiệm để cải thiện kỹ năng nói ở học sinh. Luôn tâm niệm phải đổi mới và học hỏi hơn nữa, cô đề xuất giao lưu với các trường bạn để có thể xây dựng các tiết học trực tuyến giúp học sinh được giao tiếp nghe nói, khám phá thế giới xung quanh, hiểu thêm về đất nước con người, địa lý, văn hóa của các nước trên thế giới. Nhờ phương pháp này, trong mỗi giờ cô dạy, học sinh luôn vui vẻ, sôi nổi, hào hứng tham gia hoạt động và làm chủ kiến thức một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhất. Đối với những học sinh yếu kém, cô dạy phụ đạo miễn phí để giúp các em vươn lên.

Không chỉ giỏi về chuyên môn, cô Lê còn thành công với vai trò cô giáo chủ nhiệm. Cô luôn sâu sát với học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh các em, để từ đó phối hợp với giáo viên bộ môn, ban đại diện cha mẹ, có sự quan tâm kịp thời, giúp đỡ thiết thực động viên các em, xin miễn giảm cũng như trao các suất học bổng động viên khi các em có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập, tu dưỡng trong đạo đức. Lớp chủ nhiệm của cô luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của trường, các tháng thi đua đều đạt xuất sắc.

Hơn 10 năm “lái đò”, phần thưởng lớn nhất với cô Lê là sự lan tỏa sâu rộng tấm lòng nhân ái, tinh thần học hỏi sáng tạo không ngừng, cũng như sự tín nhiệm của đồng nghiệp, sự kính trọng, lòng tin yêu của phụ huynh và các em học sinh…

Giáo viên không phải là “công nhân dạy chữ”

Gắn bó 20 năm với nghề “lái đò”, cô giáo Phạm Thị Hải Yến - Trường THPT Xuân Khanh (Hà Nội) luôn coi “giáo viên là một nhà giáo dục chứ không phải là một công nhân dạy chữ”, chính vì vậy cô đã cố gắng tìm hiểu về các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng về đổi mới trong giáo dục, nghiên cứu các sáng kiến kinh nghiệm của đồng nghiệp để hỗ trợ công tác giảng dạy. Với cô, dạy học không phải là “chở học sinh đến đích, mà là cùng học sinh đi tới đích”.

Trong hệ thống các trường THPT của TP Hà Nội, Trường THPT Xuân Khanh nhiều năm trước đây thuộc nhóm các trường có điểm thi đầu vào thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung, học sinh theo học phần đông là có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng những năm gần đây, với sự lan tỏa về tư duy giáo dục mới từ cô, Trường đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, mùa tuyển sinh năm học 2019 - 2020, Trường THPT Xuân Khanh đã vươn lên nhóm các trường có điểm chuẩn trên trung bình của thành phố. Lần đầu tiên dưới sự ôn luyện của cô, đội tuyển học sinh giỏi của trường đã có học sinh đạt giải cấp TP môn Sinh học.

Trong giảng dạy, cô luôn khích lệ học sinh của mình bày tỏ quan điểm riêng xung quanh bài giảng để tập thể phản biện và ngược lại. Ngoài ra, cô chú trọng việc cho học sinh liên hệ kiến thức chuyên môn và cuộc sống, hướng cho các em vận dụng kiến thức để giải thích những sự vật, hiện tượng có trong cuộc sống mà hàng ngày các em chưa quan sát hết. Nhờ đó học sinh được cô giảng dạy tăng dần mức độ ham học hỏi và tự tin khi trình bày các quan điểm riêng của mình, dần dần hình thành khả năng tư duy độc lập khi tốt nghiệp.

Cô luôn hướng tới việc đào tạo toàn diện cho học sinh, không chỉ kiến thức mà cả đạo đức. Đối với các trò có hoàn cảnh khó khăn, không những tự làm, cô còn vận động được cộng đồng lớp, cộng đồng trường cùng tham gia chăm lo, động viên để các em xóa bỏ rào cản tự ti, vươn lên trong học tập.

Với tâm huyết và sáng tạo, cô đã đạt nhiều thành công đáng khích lệ cả về chuyên môn cũng như công tác chủ nhiệm. Hàng năm, những đóa hoa tươi thắm, những lời chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của các thế hệ học trò chính là phần thưởng giản dị mà cô trân trọng nhất.

Đây chỉ là 3 trong số hơn 1 triệu Nhà giáo đang từng ngày, từng giờ cống hiến trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự nghiệp “trồng người”. Họ chính là những "người đưa đò" cần mẫn, chở tri thức, tình cảm đưa bao thế hệ học trò cập bến đỗ tương lai. Nhiều thầy cô đã tâm sự với tôi rằng: "Nếu được lựa chọn lần thứ hai, tôi vẫn chọn làm "người lái đò" chở "khách" sang sông...".

Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, 183 nhà giáo tiêu biểu nhất đại diện cho gần 1,4 triệu Nhà giáo từ bậc học mầm non đến đại học trong ngành Giáo dục đã được Bộ GD&ĐT vinh danh trong chương trình tôn vinh “Nhà giáo của năm” năm 2019.

Đây là những cá nhân xuất sắc, có nhiều thành tích trong việc dạy học, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, vượt qua mọi khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Hải Hà