TS Nguyễn Tùng Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội - đại biểu tham dự đã có trao đổi với PV về những nội dung liên quan và quan điểm cá nhân về kỳ thi “2 trong 1”.

+ Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa kết thúc, những sai phạm trong công tác chấm thi tại Hà Giang, Sơn La đã gây rúng động xã hội. Được biết, tại buổi gặp gỡ, nội dung quan trọng được bàn thảo là kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được đổi mới như thế nào trong năm 2019? Ông có thể chia sẻ cụ thể?

Các đại biểu tham dự đều đồng tình, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được duy trì trong năm 2019, nhưng mục tiêu của nó được làm rõ là chỉ là xét tốt nghiệp THPT thôi, còn kết quả đó có được dùng để xét tuyển ĐH, cao đẳng hay không là việc cuả các trường ĐH, cao đẳng. Hiện xã hội vẫn nghĩ rằng đây là kỳ thi dành cho xét tuyển ĐH nên đòi hỏi rất nhiều thứ. 

Về phía các trường ĐH họ đánh giá cao và tin tưởng kỳ thi nên vẫn muốn sử dụng kết quả này để xét tuyển. 

+ Quan điểm của ông về kỳ thi “2 trong 1”?

Tôi cho rằng cần tổ chức kỳ thi này, bởi Việt Nam chúng ta nếu không tổ chức thi tốt nghiệp thì học sinh không học tốt, không học toàn diện được. Việt Nam vẫn còn văn hóa học vì điểm, học vì thi. Nhưng cần phải uốn nắn dần để học sinh, phụ huynh nhận thức được học vì phát triển bản thân, học để phát triển đất nước chứ không phải học để thi, học vì điểm. 

Tiêu cực vừa qua tại Hà Giang, Sơn La năm nay mới bộc lộ, chứ thực ra những năm qua đâu đó ở các địa phương vẫn có. 

Bộ GD&ĐT phải nhận phần sai của mình về đề thi, quy trình chấm thi, phầm mềm vẫn còn sở hở. Đặc biệt, khâu chấm thi phải cải tiến không để các tỉnh chấm bài của tỉnh mình. Bài thi phải được chấm theo cụm, người chấm không biết chấm bài cho ai, như vậy tiêu cực mới không nảy nở.

+ Về cách tính điểm thi tốt nghiệp, hiện nay tính dựa trên điểm các bài thi THPT Quốc gia, điểm ưu tiên và điểm tổng kết năm lớp 12. Các bài thi sẽ được quy về thang điểm 10 để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ điểm học bạ lớp 12, ông có đồng tình?

Tôi kiến nghị, bỏ 50% điểm học bạ khi xét tốt nghiệp, vì thực tế ở phổ thông, các trường đều “nới điểm” lên hết. Mức độ đạt tốt nghiệp 80-90% đề thi ra có thể đảm bảo. Chúng ta đã nói nhiều đến nhà trường, đến quản lý trong trường học, nhưng có 1 cái chúng ta chưa nói rõ là trách nhiệm của người học. Người học phải có trách nhiệm cao với việc học của mình.

+ Đề thi năm nay được đánh giá là “khó nhằn”, một số câu hỏi ở các đề thi còn có sai sót. Phải chăng do ngân hàng đề còn “nghèo nàn”?

TS Nguyễn Tùng Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội. Ảnh: Internet

Hiện ngân hàng đề của chúng ta còn “nghèo”. Ra đề thi trắc nghiệm rất khó, khó hơn tự luận nhiều, vì vậy không để các nơi tự tiện làm được.

Để làm tốt công tác này cần chuyên gia hỏi, đồng thời phát động hướng dẫn cho giáo viên giỏi để họ ra đề, tạo ra ngân hàng đề phong phú. Bên cạnh đó, phải có bộ phận chuyên gia đánh giá các đề thi theo chuẩn khoa học, “lọc” lại rồi mới đưa vào ngân hàng đề thi. 

Đề thi năm nay chưa đạt yêu cầu, đơn cử như môn Lịch sử nhiều câu hỏi “tự tung tự tác”, đánh đố học trò.

+ Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tiêu cực thi cử, các trường ĐH nên tham gia sâu vào khâu coi thi cũng như chấm thi?

Tôi cho rằng để chặn tiêu cực thi cử, trước hết phải thay đổi văn hóa, phải coi trọng tính trung thực trong học tập, thi cử. Đó là biểu hiện nhân cách của con người chứ không chỉ là lợi ích. Hiện, chúng ta không nhấn mạnh điều này mà cho rằng học cốt chỉ để lấy điểm. 

Thứ 2, phải xây dựng đề thi cho phù hợp với học trò, phản ánh thực chất người học, ai học thì đỗ, không học thì trượt.

Thứ 3, quy chế phải chặt chẽ để người được giao nhiệm vụ muốn làm tiêu cực cũng khó. Tốt nhất là địa phương không chấm bài của học sinh địa phương mình. Các trường ĐH nên tham gia từ khâu coi thi tới chấm thi. 

Tại buổi gặp gỡ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vừa qua, các đại biểu đều đồng tình, kỳ thi sang năm vẫn giao cho địa phương tổ chức, nhưng chấm thi sẽ theo cụm. 

+ Trân trọng cảm ơn ông!


Hải Hà