Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nghệ An: Sở báo cáo phụ huynh tự nguyện mua sách bổ trợ, phụ huynh nói nhà trường bắt ép

Quang Dân

Thứ tư, 01/05/2024 - 16:08

(Thanh tra) - Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, nêu rõ, việc lựa chọn sách bổ trợ ở các cấp tiểu học là do phụ huynh tự lựa chọn, không có sự ép buộc. Thế nhưng, nhiều phụ huynh lại cho biết, đầu năm học nhà trường đã gửi list các đầu sách phải mua, làm gì có quyền được lựa chọn.

Một buổi đến trường của các em học sinh tiểu học tại TP Vinh. Ảnh: Quang Dân.

Sở nói phụ huynh tự nguyện mua, không ép buộc

Thời gian qua, Báo Thanh tra đã có nhiều bài viết phản ánh một số nội dung liên quan đến việc lựa chọn, sử dụng sách trong một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An). Ngày 26/4/2024 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An đã có Công văn số 893, gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, báo cáo các nội dung Báo Thanh tra đã đăng tải.

Theo đó, báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An về nội dung báo “Một số trường tiểu học chọn bộ sách Thực hành và phát triển năng lực”... Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, hiện nay tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có trường nào sử dụng bộ sách giáo khoa có tên “Thực hành và phát triển năng lực”.

Tên bộ sách “Thực hành và phát triển năng lực” được Báo Thanh tra điện tử nêu không phải là sách giáo khoa mà là xuất bản phẩm tham khảo được phát hành dưới dạng vở bài tập, tài liệu ôn tập, củng cố, bổ trợ, nâng cao kiến thức; rèn luyện kĩ năng và phát triển nhân cách cho học sinh, học viên và giáo viên. Tài liệu này không bắt buộc học sinh phải mua để sử dụng, học sinh chỉ mua khi có nhu cầu.

Về nội dung “giá bộ sách Thực hành và phát triển năng lực cao..”. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại xuất bản phẩm tham khảo đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng học sinh. Các tài liệu này có nội dung, hình thức, mức giá khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo nào để sử dụng là do nhu cầu và quyền quyết định của học sinh, phụ huynh (các trường học không ép buộc, hay bắt buộc học sinh phải mua để sử dụng).

Phụ huynh bảo là bắt buộc từ nhà trường

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Thanh tra, những nội dung Sở GD&ĐT Nghệ An báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An có nhiều điểm cần được làm sáng tỏ.

Trao đổi với Báo Thanh tra trong buổi làm việc ngày 30/4/2024, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại các trường tiểu học ở TP Vinh khẳng định: Không có chuyện phụ huynh tự lựa chọn, mà là nhà trường và giáo viên bắt buộc phụ huynh phải mua bộ sách Thực hành và phát triển năng lực đi kèm với sách giáo khoa.

Cụ thể, một phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 (một cháu lớp 2 và một cháu lớp 3 – PV) cho biết, không có chuyện phụ huynh tự lựa chọn sách bổ trợ cho con ở trường. Đầu năm học, nhà trường đưa ra danh sách các đầu sách cần mua cho con, phụ huynh có thể tự mua, hoặc đăng ký ở trường. Và phải mua đúng theo danh sách đó, nếu không đúng thì không học được.

“Cái này là nhà trường bắt buộc phải học theo ở nhà trường, chứ không phải là ý kiến của phụ huynh. Phụ huynh làm gì có quyền được lựa chọn đâu mà lại bảo là phụ huynh tự mua. Phụ huynh không yêu cầu học sách này sách kia, họp phụ huynh cũng không hỏi phụ huynh, nêu ý kiến mua hay học sách nào, hoàn toàn là do sự áp đặt của nhà trường”, phụ huynh bức xúc lên tiếng.

Đi kèm với thông tin nói trên, phụ huynh cũng gửi đến Báo Thanh tra thông báo của giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh phải mua các đầu sách cho con của mình lúc vào đầu năm học mới (lớp 2).

Theo thông báo nói trên, ngoài các sách giáo khoa, thì có đến 9 đầu sách trong bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực được liệt kê vào danh mục phụ huynh cần chuẩn bị cho con.

Danh sách các đầu sách mà nhà Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 yêu cầu phụ huynh mua cho học sinh đầu năm học có sự xuất hiện của bộ Thực hành và Phát triển năng lực. Ảnh: Chụp màn hình.

Trong khi đó, một phụ huynh khác có con theo học tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (lớp 3) – thông tin, trên thực tế, việc phụ huynh mua sách cho con đầu năm cũng rất gian nan, vì nếu không đăng ký ở nhà trường, thì chỉ có mỗi nhà sách ở 65 Lê Hồng Phong bán (Cửa hàng sách của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Trường học Nghệ An – PV ), những nhà sách khác không có bán bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực.

“Mua được sớm thì con mới có học, chứ như năm vừa rồi thì thực sự vất vả cho con đi học, tìm mãi không có. Sách đó, phải đăng ký từ đầu năm của trường, trường đưa ra. Khi trường đưa về cũng thiếu, phụ huynh đi mua nhưng không có để mua, phải mất cả tháng học sinh mới đủ sách học”, phụ huỵnh cho biết.

Cũng theo vị phụ huynh này, đầu năm học, nhà trường đưa ra danh sách thế nào thì phụ huynh đăng ký như thế, nhiều sách quá, có những quyển sách thấy con chẳng bao giờ học đến, gần hết năm học mà vẫn mới tinh.

Không biết là sách bổ trợ, không phải mua

Có con đang theo học lớp 1 tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, một nam phụ huynh chia sẻ, khi cháu ở cấp mầm non lên lớp 1, phụ huynh được nhà trường đưa cho list các sách phải mua.

Phụ huynh cũng không quan tâm đó là các loại sách gì, chỉ biết mua đúng như danh sách mà nhà trường đưa cho, vì nghĩ là nhà trường đã đưa thì cần phải mua, mua để phục vụ con học.

Trao đổi trong cuộc làm việc với Báo Thanh tra, có phụ huynh ý kiến, vì sợ đăng ký mua ở nhà trường đắt hơn, nên tự đi tìm mua, nhưng nhiều lúc không thể tìm ra đủ sách để mua, phụ huynh kêu trời.

“Thực ra thế này anh ạ, khi đầu năm lớp 1, danh sách nhà trường đưa thế nào thì phụ huynh đăng ký như thế. Còn từ cuối năm lớp 1, sẽ phát list để bố mẹ đăng ký để mua, chứ không ai ý kiến gì cả. Vì nghĩ nhà trường đã đăng ký, thống nhất chương trình học rồi. Cũng làm gì có cô chủ nhiệm nào thông báo là sách bổ trợ, không bắt buộc phải mua, phải học.” phụ huynh bày tỏ quan điểm.

Tiếp buổi làm việc, một phụ huynh khác đang có con học tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 cho biết, về cơ bản, tâm lý của phụ huynh muốn mua sách của nhà trường vì yên tâm. Tuy nhiên, ngoài sách Thực hành và Phát triển năng lực Toán và Tiếng Việt thì còn thấy cô giáo nhắc phụ huynh kiểm tra con làm, còn những sách khác thì chẳng thấy động tới. Nhà trường ốp và phụ huynh phải mua, còn mua để làm gì thì đến giờ vẫn chưa thể biết được, bởi hầu như không thấy con động đến.

Phụ huynh làm gì biết chuyện sách thế nào thế nào đâu mà đề xuất, giờ có nhiều tên sách, nhiều nhà xuất bản, thì làm sao phụ huynh biết được sách nào tốt mà đề xuất. Nhà trường định hướng thì phải mua, nhưng định hướng không có văn bản nào cả, chỉ gửi list bao gồm bao nhiêu quyển, phụ huynh nếu chọn mua thông qua nhà trường thì đăng ký và chuyển tiền thẳng cho cô văn thư của trường luôn. Sau đó lên trường nhận sách.

“Kể cả ở list nhà trường gửi cũng không hề đánh dấu, ghi chú sách tham khảo, bổ trợ gì mà bắt buộc hay không bắt buộc”, phụ huynh cho biết.

Phụ huynh phản ánh sách chỉ được bán ở nhà sách của Công ty Cổ phần sách và Thiết bị Trường học Nghệ An. Ảnh: Quang Dân.

Có hay không lợi ích nhóm trong việc sử dụng sách bổ trợ?

Như Báo Thanh tra đã thông tin, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo số 2303/TB-TTCP về Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Tại thông báo kết luận này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất nhiều hạn chế, thiếu sót và vi phạm tại Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý nhà nước về sách giáo khoa.

Theo thông báo kết luận thanh tra nói trên, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 2372 năm 2013 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn sách bài tập do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.

Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành sách bài tập).

Việc sách bài tập được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành tại Văn bản 2372 là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT.

Mặc dù Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014, quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên nhưng chưa kịp thời ban hành văn bản về việc dừng sử dụng Văn bản số 2372 nêu trên.

Do đó gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.

Trở lại với việc sử dụng bộ sách bổ trợ tại các trường tiểu học ở TP Vinh (Nghệ An), đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thông tin bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản chỉ được bán độc quyền ở nhà sách của Công ty Cổ phần sách và Thiết bị trường học Nghệ An? Cũng như việc có sự áp đặt, định hướng của nhà trường với phụ huynh trong việc mua bộ sách này như phản ánh của phụ huynh để rộng đường dư luận.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm