Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghệ An: Trường chọn bộ sách giá cao, phụ huynh lâm cảnh “phí chồng phí”

Quang Dân

Chủ nhật, 21/04/2024 - 08:33

(Thanh tra)- Chưa vội bàn đến việc sử dụng hai bộ sách trong giảng dạy có thật sự giúp các em học sinh phát triển hơn, chỉ nói về phương diện tài chính, thì Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực hiện có giá cao hơn sách bổ trợ của Bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức khá nhiều.

Một buổi sáng đến trường của học sinh tại TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: Quang Dân

Báo Thanh Tra đã có bài viết “Nghệ An: Phụ huynh, giáo viên băn khoăn về Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực ở cấp tiểu học”.

Trong đó, đề cập đến chương trình tiểu học trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) đang sử dụng 2 bộ sách vào giảng dạy, bao gồm môn Tiếng Việt sẽ học của Cánh diều (Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh), các môn còn lại học của Kết nối tri thức (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Tuy nhiên, học sinh không sử dụng vở bài tập của hai bộ sách trên, mà lại sử dụng bài tập từ bộ Thực hành và Phát triển năng lực do Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản.

Việc học một bộ sách nhưng lại áp dụng bài tập từ một bộ sách khác làm dấy lên những “băn khoăn” của giáo viên và học sinh về tính liên kết trong quá trình học tập của học sinh.

Chưa vội bàn đến việc sử dụng hai bộ sách trong giảng dạy có thật sự giúp các em học sinh phát triển hơn, chỉ nói về phương diện tài chính, thì Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực hiện có giá cao hơn sách bổ trợ của Bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức khá nhiều.

Giá sách Thực hành và Phát triển năng lực cao hơn giá sách bổ trợ của Cánh diều và Kết nối tri thức khá nhiều. Ảnh: Quang Dân

Bất ngờ với mức giá chênh lệch giữa hai bộ sách

Theo đó, vở bài tập Toán 1 (tập 1) và vở bài tập Toán 1 (tập 2) của Kết nối tri thức có giá mỗi quyển 16.000 đồng, thế nhưng bộ Thực hành và Phát triển năng lực Toán 1 (tập 1 + tập 2) lại có giá 19.000 đồng/quyển.

Như vậy, mỗi học sinh học lớp 1 sử dụng bộ Thực hành và Phát triển năng lực Toán cho cả năm học có giá là 38.000 đồng, cao hơn 6.000 đồng so với vở bài tập Toán 1 của Kết nối trí thức với giá 36.000 đồng.

Tương tự, bộ Thực hành và Phát triển năng lực Toán 2 (gồm tập 1 + 2) cao hơn vở bài tập Toán 2 (tập 1 + 2) của Kết nối trí thức1.000 đồng.

Bộ Thực hành và Phát triển năng lực Toán 3 (tập 1+ 2) cao hơn vở bài tập toán 3 (tập 1+2) của Kết nối trí thức là 7.000 đồng.

Bộ Thực hành và Phát triển năng lực Toán lớp 4 (tập 1 + 2) cao hơn vở bài tập toán 4 (tập 1 + 2) của Kết nối trí thức là 5.000 đồng.

Đáng chú ý hơn, ngoài môn Toán, còn có nhiều môn học khác, học sinh sử dụng bộ Thực hành và Phát triển năng lực có giá cao hơn vài nghìn đồng so với bộ bổ trợ theo sách giáo khoa của môn học đó.

Điều này đồng nghĩa với việc, với một lớp học có nhiều môn, số tiền chênh lệch mà phụ huynh chi ra để mua bộ Thực hành Phát triển năng lực của Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản sẽ cao hơn đến vài chục nghìn đồng so với việc sử dụng vở bài tập theo sách giáo khoa đang được giảng dạy. Dẫn đến phụ huynh sẽ phải tốn thêm 1 khoản nữa ngoài tiền đồng phục, ăn uống, đóng học cho các con.

Chưa kể, nếu nhân số tiền chênh lệch này với hàng nghìn học sinh cấp tiểu học tại TP Vinh thì số tiền dự kiến sẽ rất lớn.

Gợi ý địa điểm mua sách phía sau sách Thực hành và Phát triển năng lực. Ảnh: Quang Dân

Có một chi tiết đáng chú ý rằng, sau mỗi quyển sách Thực hành và Phát triển năng lực đều có ghi chú với nội dung: Bạn đọc có thể mua sách tại Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Nghệ An (Công ty Sách Nghệ An).

Như đã đề cập ở những bài viết trước, trong những năm qua, Công ty Sách Nghệ An là nhà thầu quen mặt của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An, doanh nghiệp này đã tham gia và trúng 7/7 gói thầu do Sở GD&ĐT Nghệ An làm chủ đầu tư, với tổng giá trị trúng thầu khoảng 13,8 tỷ đồng.

Đa số các gói thầu Công ty Sách Nghệ An trúng tại Sở GD&ĐT Nghệ An đều sát giá, tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp, thậm chí có gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm 0%.

Dù trúng thầu sát giá, doanh thu tăng trưởng, nhưng lợi nhuận Công ty Sách Nghệ An đưa về trên sổ sách trong giai đoạn này là không đáng kể, điều này đồng nghĩa với việc đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách rất khiêm tốn.

Dấu hiệu lợi ích nhóm trong in ấn sách giáo khoa

Câu chuyện lựa chọn sách giáo khoa và sách tham khảo, sách bổ trợ tại các cấp học là chủ đề được dư luận quan tâm trong những năm qua.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo số 2303/TB-TTCP về Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Tại thông báo kết luận này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất nhiều hạn chế, thiếu sót và vi phạm tại Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý nhà nước về sách giáo khoa.

Theo thông báo kết luận thanh tra nói trên, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 2372 năm 2013 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn sách bài tập do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.

Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành sách bài tập).

Việc sách bài tập được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành tại văn bản 2372 là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT.

Mặc dù Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014, quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên nhưng chưa kịp thời ban hành văn bản về việc dừng sử dụng Văn bản số 2372 nêu trên.

Do đó gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.

Có hay chăng câu chuyện lãng phí trong sử dụng sách?

Trở lại với câu chuyện sử dụng bộ Thực hành và Phát triển kỹ năng tại các trường tiểu học ở TP Vinh, trường hợp phụ huynh nghĩ là tài liệu bắt buộc phải mua kèm sách giáo khoa, thì số tiền bỏ ra sẽ không hề nhỏ. Trong khi đó, đối với học sinh nếu làm hết các bài tập thì số lượng bài vở cũng sẽ rất lớn.

Dẫn lời phụ huynh có con nhỏ đang học lớp 2 tại một trường học ở TP Vinh chia sẻ, ở trường cháu đang sử dụng sách giáo khoa cho các môn học bao gồm: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mỹ Thuật..

Trong mấy môn đó có 3 môn học có quyển Thực hành và Phát triển năng lực, ví dụ như môn Toán đi kèm với Thực hành và Phát triển năng lực Toán; Tiếng Việt đi kèm với Thực hành và Phát triển năng lực Tiếng Việt; Tự nhiên và Xã hội có Thực hành Tự nhiên và Xã hội.

Riêng quyển Thực hành Tự nhiên và Xã hội rất ít khi thấy cháu động đến, cũng không thấy giáo viên nhắc nhở gì đến quyển này, cảm giác như quyển này không liên quan gì, không sử dụng đến với quá trình học của cháu.

"Thi thoảng cô giáo nhắc các bạn làm trong hai quyển Thực hành và Phát triển năng lực Toán và Tiếng Việt, riêng quyển Thực hành Tự nhiên và Xã hội không thấy nhắc đến, coi như là lãng phí cực lớn. Một cháu mua một quyển 14.000 đồng (một năm 2 quyển là 28.000 đồng - PV), thì hàng trăm, hàng nghìn cháu mua số tiền sẽ lãng phí là bao nhiêu?”, phụ huynh này cho hay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm