Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát hiện 956 vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ trong 1 năm

Hương Giang

Thứ sáu, 18/10/2024 - 05:30

(Thanh tra) - Năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 956 vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ. Trong đó, vụ Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An là 2 đại án tham nhũng điển hình được điểm tên.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang vừa ký báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 (từ 1/10/2023 đến hết tháng 9/2024) gửi Quốc hội. Tại báo cáo này nêu rõ trong 1 năm đã phát hiện 956 vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: P.Thắng

Xuất hiện tham nhũng, tiêu cực trong thẩm định giá

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu. Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng; lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi gây bức xúc trong Nhân dân.

Điển hình cho phương thức, thủ đoạn trên là 2 đại án tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An.

Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tham nhũng tại các doanh nghiệp cổ phần, đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng nổi lên. Điển hình là vụ án tại Tổng công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp dầu khí.

Trong khi đó, tội phạm, vi phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, kế toán, thuế, khai thác tài nguyên, khoáng sản... tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương.

Đáng chú ý, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số lĩnh vực và phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như: Tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá trong tố tụng hình sự; lợi dụng ngân hàng thương mại để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới bằng phương thức cho, tặng sổ tiết kiệm.

Hay đối tượng sử dụng giấy tờ giả để đăng ký chữ ký số, thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử và chiếm quyền phát hành hóa đơn giá trị gia tăng điện tử của một số doanh nghiệp để phát hành và bán hóa đơn giá trị gia tăng, thu lợi trái phép.

Minh chứng là Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố vụ án, khởi tố 44 bị can với tội danh “xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Công an TP Đà Nẵng khởi tố 11 đối tượng sử dụng nhiều thiết bị máy tính để thực hiện các hành vi xâm nhập và chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội Facebook của người khác.

Ngoài ra, tội phạm buôn lậu còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng pháp nhân để gian lận thương mại, khai sai chủng loại, số lượng thông qua xuất, nhập khẩu chính ngạch; lợi dụng sơ hở trong quản lý kiểm hóa hàng hóa (luồng xanh, vàng, đỏ), kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro để khai sai mặt hàng, chủng loại, số lượng…

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án lớn, vụ án mới

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình; chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, xây dựng cơ bản, đầu tư công, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả…

Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu tập trung nhận diện đúng và trúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực nhạy cảm gây bức xúc trong thời gian dài; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án lớn, vụ án mới với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Báo cáo cho thấy, từ 1/10/2023 đến hết tháng 9/2024, đã phát hiện 5.578 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, ít hơn 2,4%; 956 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, nhiều hơn 20,55%, 4.587 vụ buôn lậu, nhiều hơn 8,25%.

Nhận định tình hình tội phạm có xu hướng phức tạp, Chính phủ cho biết, năm 2025 sẽ tập trung tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục xử lý nghiêm tội phạm và các vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Song song là đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, bảo đảm thời hạn đề nghị truy tố đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Giải pháp nữa là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra, xử lý tội phạm; khẩn trương khắc phục dứt điểm các hạn chế, vi phạm đã được chỉ ra, theo Bộ trưởng Bộ Công an.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm