Lễ khai giảng vì học sinh

Từ sáng sớm, tiết trời thu Hà Nội dịu mát, nắng trải vàng trên khắp con phố khiến không khí tại các trường hết sức rộn ràng. Tại các trường trên địa bàn Thủ đô, phần lễ diễn ra nhanh chóng, các em học sinh được trở thành trung tâm của lễ khai giảng, được trực tiếp biểu diễn và thưởng thức nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ, các trò chơi thú vị.

Trong ngày hội "Toàn dân đưa trẻ đến trường”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới chung vui với thầy trò Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội). Tại đây, Thủ tướng khẳng định, giáo dục và đào tạo luôn nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng mong muốn, năm học mới, bên cạnh tiếp tục dạy, học hiệu quả các môn văn hóa, gọi là dạy chữ thì các thầy cô cần quan tâm hơn đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh tức là dạy người.

"Con người phải có đức có tài mới đóng góp được cho đất nước, cho gia đình ấm no, hạnh phúc. Dạy chữ đã quan trọng rồi, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn trong thời kỳ chúng ta hội nhập sâu rộng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng trong ngày khai trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội đã đến chúc mừng thầy trò Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp).

Tại ngôi trường 43 năm tuổi, Chủ tịch Quốc hội nhắn gửi tới các em học sinh hãy bắt đầu năm học mới với niềm hứng khởi, say mê. Được học dưới một ngôi trường có bề dày thành tích trong đấu tranh, rèn luyện và học tập, các cháu hãy thắp tiếp ngọn lửa truyền thống học tập, rèn luyện đạo đức, lối sống tốt để phục vụ nhu cầu của chính bản thân mình, giúp đỡ cho gia đình, trang bị hành trang đầu đời để trở thành những công dân có ích cho quê hương, đất nước…

Theo ghi nhận, tại các địa phương trên cả nước, lễ khai giảng tại các trường năm nay hết sức gọn nhẹ, diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Các nghi lễ tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu… đã được tiết giảm, phần hội được tổ chức hấp dẫn với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn. Trung tâm của sân trường là vị trí của các em học sinh. Nhiều cha mẹ học sinh bày tỏ sự đồng tình trước những thay đổi tưởng chừng nhỏ nhưng đã thể hiện tinh thần “vì học sinh thân yêu”.

Điều đặc biệt trong lễ khai giảng năm nay ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đó là lễ khai giảng không bóng bay, thắp nên hi vọng cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Tại Trường Marie Curie (Hà Nội), từ cổng trường, nhiều băng rôn, khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường được dựng lên. Trong buổi lễ khai giảng kéo dài khoảng 40 phút, thầy hiệu trưởng kêu gọi mọi người hành động bảo vệ môi trường với thông điệp chính là loại bỏ rác thải nhựa, nilon trong trường học.

Nhiều trường phổ thông khác trên cả nước cũng nói không với bóng bay. Em Anh Tú - học sinh lớp 11 chuyên Sử, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ chia sẻ: Đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức khai giảng không có bóng bay. Đây là việc làm nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn, giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Hi vọng sau hành động nhỏ này, nhiều bạn học sinh trên cả nước sẽ cùng lên tiếng để tất cả mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất như hạn chế dùng túi nilong, chai, hộp nhựa, hay chỉ đơn giản là từ bỏ thói quen dùng ống hút nhựa...

Thắp lên những hi vọng

Không chỉ gửi gắm hi vọng về bảo vệ môi trường, năm học mới bắt đầu cũng là lúc các thầy cô giáo và các em học sinh thắp lên những hi vọng mới.

Phan Lê Ngân Hà - học sinh lớp 12 chuyên Văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ không giấu nổi xúc động trong ngày khai giảng. Với Ngân Hà cũng như các bạn học sinh khối 12, khai giảng này có một ý nghĩa đặc biệt bởi đây là khai giảng cuối cùng của thời học sinh.

"Năm học này là năm cuối cùng sau 12 năm đèn sách, em sẽ cố gắng giữ vững thành tích học tập của mình để tự tin bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Em mơ ước đỗ vào Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Bên cạnh lợi thế về môn chuyên, em sẽ cố gắng học tốt Tiếng Anh và Toán để đạt được ước mơ của mình" - Ngân Hà chia sẻ.

Tại ngôi trường đặc biệt mang tên Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi đây, các cô giáo yêu thương học trò hơn con của mình bởi có nhiều em học sinh chậm phát triển về trí tuệ.

Trong bài phát biểu của mình, cô hiệu trưởng Lê Thanh Hà gửi gắm mong muốn: “Chúng ta hãy truyền đến cho các con ngọn lửa đam mê học tập, nghiên cứu và nhân văn. Các em học sinh hãy phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo để có được kết quả học tập tốt nhất. Tất cả chúng ta hãy cùng chung sức, đồng lòng tạo môi trường thân thiện để… “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Là giáo viên dạy Ngữ Văn tại Trường THCS Ban Mai, cô Vũ Thu Hà chia sẻ về những hi vọng trong năm học mới: “Với tôi, mỗi dịp khai giảng đều là một ngày thiêng liêng. Bởi đó là một năm học mới, một nhịp cầu mới, một cơ hội mới và nhiều trải nghiệm mới. Mỗi năm học sẽ là một câu chuyện trong cuốn sách cuộc đời của mình và ngày khai giảng là ngày tôi bắt đầu những dòng đầu tiên cho câu chuyện ấy... Tôi chẳng có ước nguyện nào lớn hơn là những người đồng nghiệp của tôi, học trò của tôi và cả những gia đình nhỏ đều sẵn sàng cùng tôi trải nghiệm những chương mới của cuốn sách cuộc đời…”.

Một năm học mới đã chính thức bắt đầu. Đây sẽ là năm học "bản lề" để chuyển giao sang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1, với nhiều công việc đòi hỏi sự đồng lòng, cố gắng của toàn ngành. Chúng ta cùng hi vọng trong năm học mới này, ngành Giáo dục sẽ gặt hái nhiều thành công mới…

Năm học 2019-2020, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có khoảng hơn 5,5 triệu trẻ mầm non. Hơn 17 triệu học sinh giáo dục phổ thông, trong đó hơn 8,6 triệu học sinh tiểu học, hơn 5,5 triệu học sinh THCS và gần 2,6 triệu học sinh THPT. Riêng, đại học chính quy có khoảng hơn 1,5 triệu sinh viên.

Hải Hà