Địa phương đón lượng khách lớn nhất toàn tỉnh Thanh Hóa là thành phố Sầm Sơn, với 198.200 lượt khách. Tiếp đến là Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, huyện Bá Thước đón 59.500 lượt khách; Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa đón 57.600 lượt khách; Khu Du lịch sinh thái biển Hải Hòa và Bãi Đông, thị xã Nghi Sơn đón 47.300 lượt khách và thành phố Thanh Hóa 43.600 lượt khách...

Ngoài ra, một số khu, điểm du lịch chủ yếu phục vụ khách tham quan trên địa bàn tỉnh cũng đã đón lượng lớn khách như Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc đón 10.000 lượt khách; suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy đón 5.000 lượt khách; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân đón 4.800 lượt khách; Khu Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bến En, huyện Như Thanh đón 3.000 lượt khách...

Với lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng ở Thanh Hóa, tổng thu du lịch toàn tỉnh trong kỳ nghỉ lễ đạt 870,5 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất sử dụng phòng lưu trú toàn tỉnh đạt từ 35 - 37%, riêng Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông công suất sử dụng phòng đạt 100%.

Trước đó, trong tháng 8/2024, tổng lượt khách đến với Thanh Hóa ước đạt 1.120.000 lượt khách, tăng 21,5% so cùng kỳ năm 2023 (trong đó khách quốc tế ước đạt: 89.700 lượt khách, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2023); Tổng thu du lịch ước đạt: 2.872 tỷ đồng, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế: 46.300.000 USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2023).

Cũng theo báo cáo của Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa, trong 4 ngày nghỉ lễ, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm luôn được đảm bảo, không xảy ra sự cố. Để có được kết quả đó, các cấp, ngành, địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo các điều kiện trong quá trình đón tiếp, phục vụ khách. Cùng với đó là sự vào cuộc, cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, góp phần khẳng định hình ảnh du lịch Thanh Hóa ngày càng khởi sắc.

Văn Thanh