Ấn tượng động Brai

Nằm ở phía Tây Bắc huyện Hướng Hóa, hang động Brai được đánh giá là một trong những kỳ quan thiên nhiên còn hoang sơ giữa đại ngàn của dãy Trường Sơn. Dù động Brai đã biết đến từ lâu nhưng 12 năm trước những thông tin, hình ảnh về động Brai mới được biết đến nhiều hơn và bắt đầu được tìm hiểu, khám phá.

Dù chưa thể khám phá hết toàn bộ hệ thống hạng động Brai nhưng bước đầu xác định động Brai có chiều dài hơn 840m, độ cao lớn nhất 17m. Với hình thái là động khô, bên trong động có cấu trúc đá vôi đặc trưng cùng vô vàn khối thạch nhũ đủ hình dáng, kích thước và màu sắc.

Không chỉ cửa hang hình tam giác ấn tượng mà bên trong động Brai rộng lớn khiến du khách choáng ngợp trước cảnh quan kỳ thú do thiên nhiên tạo ra qua hàng triệu năm hình thành. Bên trong có thể bắt gặp những con suối nhỏ, tinh khiết xuyên qua những bãi đá ngầm ở trong mặt đất.

Nhiều người dân nơi đây kể lại, trong những năm tháng chiến tranh, Hướng Lập là địa bàn trọng yếu nằm trên Vĩ tuyến 17, nơi tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào chiến trường Khe Sanh - Hướng Hóa. Để ngăn chặn tiếp viện của ta trên tuyến đường này, địch gia tăng các hoạt động ném bom, bắn phá. Vượt qua mọi mưa bom, bão đạn, quân và dân ta đã chiến đấu, giữ vững tuyến đường chi viện vào Nam, góp phần đem lại thắng lợi cho chiến dịch Khe Sanh. Trong những năm tháng ấy, động Brai là nơi bộ đội và Nhân dân ta ẩn nấp để tránh bom đạn kẻ thù, cũng là căn cứ hoạt động cách mạng quan trọng trên tuyến Tây Trường Sơn.

leftcenterrightdel
Một dãy thạch nhũ bị đập gãy trong động Brai. Ảnh: Minh Tân 

Nhận thấy tiềm năng của động Brai, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đoàn đi khảo sát để qua đó lên kế hoạch bảo tồn danh thắng, di tích hang động và khai thác tiềm năng du lịch. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng, huyện Hướng Hóa với quy mô 170ha. 

Mục tiêu phê duyệt quy hoạch để kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng đạt quy mô cấp tỉnh. Đồng thời, kết hợp nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mạo hiểm nhằm sớm hình thành không gian văn hóa - du lịch với các loại hình và sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân và tăng cường liên kết vùng. Cùng với đó là bảo tồn, quảng bá, phát triển các giá trị cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, nhân văn bản địa.

Theo đó, phạm vi quy hoạch khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng gồm: Khu vực động Brai ở thôn A Sóc, xã Hướng Lập và khu vực thác Tà Puồng thuộc thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt.

“Nóng” tình trạng phá hoại thạch nhũ

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi nhà đầu tư, tình trạng xâm hại động Brai đáng báo động. Theo phản ánh của người dân, một số cá nhân đã vào bên trong hang động, đập, gỡ các thạch nhũ với mục đích mang về làm đồ trang trí, làm hòn non bộ. Trong khi đó, để một nhũ đá hình thành phải trải qua hàng trăm năm.

Gần khu vực cửa hang động, dấu vết những thạch nhũ to, nhỏ bị đập phá cũ có, mới có. Trong khi đó, khu vực hang động Brai xa khu dân cư, thiếu người quản lý nên một số cá nhân vẫn lén lút vào đập phá thạch nhũ mang về diễn ra trong thời gian vừa qua gây búc xúc dư luận.

Mới đây, ngày 5/9, UBND xã Hướng Lập phối hợp với Đồn Biên phòng Hướng Lập, cán bộ kiểm lâm địa bàn tiến hành kiểm tra tình trạng này tại động Brai.

Qua kiểm tra khu vực dài khoảng 300m, tính từ cửa động đi sâu vào bên trong, đoàn nhận thấy có khoảng 20 thạch nhũ bị gãy, chủ yếu là thạch nhũ có đường kính dài khoảng 5 - 15cm, thạch nhũ bị đập gãy lớn nhất có đường kính khoảng 24cm.

leftcenterrightdel
 Một thạch nhũ lớn có trọng lượng khoảng 50kg sau khi bị đập gãy bỏ lại hiện trường. Ảnh: Minh Tân

Bước đầu xác định các loại thạch nhũ bị gãy có dấu bị đồ vật tác động, thời gian bị gãy khoảng 2 - 3 tháng trước. Đa số thạch nhũ nhỏ bị gãy đã không còn tại hiện trường. Có 1 thạch nhũ có đường kính khoảng 24cm, dài khoảng 5cm, nặng 50kg còn lại ở hiện trường. Có lẽ, do quá nặng nên chưa bị các đối tượng mang ra ngoài.

Trước tình trạng phá hoại thạch nhũ tại động Brai, UBND xã Hướng Lập cho biết tăng cường phối hợp với Đồn Biên phòng Hướng Lập và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của Nhà nước, không khai thác trái phép thạch nhũ trong các hang động trên địa bàn xã. Đồng thời, tiến hành cắm biển cảnh báo về việc cấm khai thác thạch nhũ trái phép tại động Brai cũng như có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Trần Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn; các phòng, ban và các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn nhằm thực hiện các biện pháp bảo vệ các hang động tự nhiên.

leftcenterrightdel
 Nếu không có phương án bảo vệ, vẻ đẹp nguyên sơ của động Brai sẽ bị bàn tay con người tàn phá. Ảnh: Minh Tân

Trong đó, giao UBND các xã bố trí lực lượng tuần tra, bảo vệ và cắm biển tạm cấm vào các hang động tự nhiên thuộc địa bàn quản lý; chỉ đạo lực lượng công an xã, quân sự xã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện hoạt động tại khu vực lân cận các hang động; xử lý nghiêm theo đúng quy định các trường hợp phá hoại, vận chuyển, mua bán thạch nhũ…

Đồng thời, đề nghị các đồn biên phòng Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng phối hợp, hỗ trợ UBND các xã thực hiện việc kiểm tra, tuần tra, bảo vệ thạch nhũ tại các hang động tự nhiên trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực được giao quản lý, nhất là các khu vực có hang động tự nhiên có tiềm năng phát triển du lịch; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các hành vi làm ảnh hưởng đến hang động tự nhiên và lấn chiếm đất rừng tại các khu vực trên.

Minh Tân