Ghi nhận nhiệt độ nắng nóng kỷ lục

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Trị, hiện tượng El Nino duy trì đến tháng 6/2024, sau đó có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính từ tháng 7 đến tháng 8/2024 với xác suất 75 - 80%. Nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 0,5 - 1,5 độ C, trong đó tháng 5 cao hơn 1-2 độ C. 

Nắng nóng kéo dài và gay gắt hơn TBNN. Trong mùa khô tổng lượng mưa phổ biến TBNN cùng kỳ từ 20 - 30%. Mực nước trên các sông ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ, tổng lượng dòng chảy trung bình thiếu hụt TBNN cùng kỳ. Lượng dòng chảy trên sông Bến Hải từ tháng 5 đến tháng 7/2024 chỉ đạt từ 10,1 - 17,2% và thấp hơn 82,8 - 89,9% so với TBNN cùng kỳ, trong tháng 8 dòng chảy tiếp tục thiếu hụt.

Với xu thế thời tiết như dự báo thì vụ Hè Thu 2024 sẽ xảy ra nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn với diện rộng trên toàn tỉnh, việc cấp tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn cây lúa làm đồng, trổ bông. Tuy nhiên, theo dự báo, vụ Hè Thu diễn biến tương đối bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh là rất lớn, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống Nhân dân.

leftcenterrightdel
 Nắng nóng kéo dài gây thiệt hại hơn 126ha lúa của 644 hộ dân ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Minh Tân

Ghi nhận của Cơ quan Khí tượng Thủy văn, tại Quảng Trị nắng nóng diện rộng xuất hiện vào đầu tháng 3, sớm hơn và hoạt động mạnh hơn TBNN cùng kỳ. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã xảy 5 đợt nắng nóng diện rộng. Trong đó, đợt nắng nóng ngày 13/4 - 2/5 được đánh giá là có cường độ mạnh nhất từ trước đến nay. Một số nơi có giá trị nhiệt độ cao nhất lịch sử trong vòng gần 50 năm qua (tính từ năm 1976 đến nay) mới ghi nhận được với 44 độ C tại Trạm Đông Hà và 39,8 độ C là giá trị nhiệt độ cao nhất lịch sử mới ghi nhận được tại Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Bên cạnh đó, từ tháng 1 đến tháng 6/2024, xu thế mực nước vùng thượng lưu các sông giảm dần. Lượng dòng chảy tại trạm thuỷ văn Gia Vòng trên sông Bến Hải đạt 14,4 - 32,7%, thiếu hụt từ 67,3 - 85,6% so với TBNN cùng kỳ.

Đồng thời, theo dự báo, trong tháng 7 - 8 nắng nóng có khả năng xuất hiện từ 2 - 3 đợt/tháng, tháng 9 nắng nóng có khả năng giảm dần và kết thúc vào khoảng giữa tháng 9. Đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt ở vùng đồng bằng với ngưỡng nhiệt độ cao nhất có thể đạt 38 - 40 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Chỉ mới đầu mùa khô, trên địa bàn thị xã Quảng Trị, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng trong tháng 3, 4 năm 2024, trong đó có đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt từ ngày 1 - 5/4/2024 khiến các diện tích lúa Đài thơm 8 trên địa bàn xã Hải Lệ tỷ lệ vào chắc hạt thấp, tỷ lệ hạt lép chiếm trên 72%. Qua kiểm tra, các đơn vị chức năng đã xác định có hơn 126ha lúa trên địa bàn xã Hải Lệ bị thiệt hại trên 70%. Trong đó, tổng giá trị thiệt hại là hơn 3,5 tỷ đồng với 644 hộ nông dân bị thiệt hại.

Chủ động ứng phó

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, nhờ chủ động từ những tháng trước nguy cơ hạn hán, nắng nóng kéo dài, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chủ động tích nước, thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm. Nhờ vậy, tính đến ngày 20/6, mực nước các hồ chứa trong tỉnh phổ biến từ 50 - 60% dung tích thiết kế. Nguồn nước hiện vẫn đảm bảo phục vụ tưới cho diện tích cây lúa đầu vụ Hè Thu năm 2024.

Tuy nhiên, trước những diễn biến cực đoan của thời thiết và để ứng phó kịp thời tình hình hạn hán, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ Hè Thu năm 2024.

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, các địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện phương án 3355/PA-UBND của UBND tỉnh ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh trên địa bàn đến năm 2025. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình của địa phương để triển khai ngay từ đầu vụ Hè Thu 2024.

leftcenterrightdel
 Theo dự báo, nắng nóng tiếp tục diễn ra vào tháng 7 - 8 năm nay. Ảnh: Minh Tân

Trong đó, tổ chức ra quân làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét kênh mương, các cửa dẫn nước đảm bảo chuyển nước tốt nhất, duy tu bảo dưỡng tốt các trạm bơm để sẵn sàng bơm tưới, chuẩn bị các loại máy bơm dự phòng để sẵn sàng bơm hỗ trợ.

Áp dụng các biện pháp tưới luân phiên ngay từ đầu vụ, tận dụng các nguồn nước hồi quy ở các trục tiêu, ao hồ, sông suối để bơm tát phục vụ làm đất, gieo sạ, tích trữ các nguồn nước ở các hồ chứa để phục vụ tưới khi cần thiết. Chủ động be bờ giữ nước trong ruộng trong lúc vào vụ sản xuất, tích nước ở các bàu, ao, đầm, chủ động khoanh vùng đặt máy bơm dã chiến khi cần thiết.

Dự trữ nguồn nước cơ bản từ hồ Ái Tử để cấp bổ sung cho trạm bơm Tân Lương đảm bảo cấp nước cho TP Đông Hà, đảm bảo nguồn nước ở hồ Tích Tường để cấp cho nhà máy nước thị xã Quảng Trị phục vụ cấp nước cho người dân trong vùng. Những vùng có nguồn nước và gần nguồn điện cần nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm các trạm bơm điện để bơm tưới chống hạn trước mắt và lâu dài. Vận động các địa phương thực hiện gieo cấy các loại giống lúa ngắn ngày để rút ngắn thời gian tưới nhằm tiết kiệm nước tưới.

Đối với những vùng cao khó tưới, không có nguồn nước bơm hỗ trợ thì vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc các hình thức sản xuất khác phù hợp mang lại hiệu quả cao hơn, diện tích cần chuyển đổi vụ Hè Thu 2024 là gần 738ha. Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ chống hạn cho gần 3.300ha có nguy cơ thiếu nước trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Trị cũng bổ sung kinh phí hỗ trợ chống hạn là hơn 12,7 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ kinh phí cho Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện công tác chống hạn là gần 6,58 tỷ đồng và kinh phí chống hạn của các địa phương thực hiện là hơn 6,12 tỷ đồng.

Minh Tân