Đề án Nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập phường thuộc TP Thanh Hóa nêu rõ, sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa nhằm mở rộng không gian đô thị, xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, trở thành một đô thị thông minh, văn minh, có bản sắc, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập TP Thanh Hóa sẽ phù hợp với truyền thống lịch sử địa phương, phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn, góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới của cả nước theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị.

Đề án cũng đã nêu rõ phương án thành lập 7 phường thuộc TP Thanh Hóa gồm: Phường Rừng Thông, phường Hoằng Quang, phường Hoằng Đại, phường Đông Tiến, phường Đông Khê, phường Đông Thịnh, phường Đông Văn.

Sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường, TP Thanh Hóa có diện tích 228,22 km2, quy mô dân số 593.715 người, 48 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 37 phường, 11 xã…

Tại hội nghị, các đại biểu đều cơ bản thống nhất với các phần nội dung, bố cục của Đề án, đồng thời phân tích làm rõ những lý do và sự cần thiết của việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đóng góp vào giải pháp tổ chức bộ máy, bố trí trụ sở, công sở, tài sản sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nêu: Để Đề án Sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa đảm bảo chất lượng cao và đúng với các quy định của pháp luật, trước khi báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 8/2022, Giám đốc Sở Nội vụ phải có trách nhiệm làm việc với các bộ, ngành Trung ương có liên quan và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để làm rõ việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa được triển khai qua những trình tự, thủ tục như thế nào để đảm bảo tính pháp lý cao nhất.

Qua các ý kiến thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn lưu ý cơ quan soạn thảo cần phải làm rõ nội dung về phương án về sắp xếp tổ chức bộ máy, tài sản; việc sắp xếp các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cần phải nghiên cứu bố trí ví trí tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Sau khi đã được các bộ, ngành Trung ương có ý kiến, cơ quan soạn thảo cần khẩn trương hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh trước ngày 15/8/2022; khi UBND tỉnh thống nhất các nội dung trong đề án, Ban Chỉ đạo 902 sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn yêu cầu huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa cần tăng cường phối hợp với cơ quan soạn thảo, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đề án, để các cơ quan chức năng thẩm định, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.

Theo kế hoạch dự kiến, trong tháng 7/2023 huyện Đông Sơn sẽ chính thức sáp nhập vào TP Thanh Hóa.

Văn Thanh