Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo về công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên Cổng DVC quốc gia gửi Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, khẳng định: Công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng với các bộ, ngành đã đạt được một số kết quả tích cực.

Thứ nhất, về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến rất quan trọng.

Cải cách TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh là một trọng tâm cải cách. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức theo hướng toàn diện, thực chất hơn. Nhiều bộ, cơ quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân định đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo về thẩm quyền. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại qua biên giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19USD; ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng thủ tục thông quan; tiết kiệm 17 triệu giờ lưu kho đối với 5,8 triệu tờ khai xuất khẩu; tiết kiệm 37 triệu giờ lưu kho đối với 6,2 triệu tờ khai nhập khẩu. Hiện nay, riêng hàng luồng xanh, thời gian thông quan chỉ còn 1-3 giây; tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành chỉ còn 19,1%.

Thứ hai, về cung cấp DVC, các bộ, cơ quan và địa phương đã có nhiều tiến bộ trong việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua.

Đến nay đã có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận, xử lý yêu cầu cung cấp DVC của người dân, doanh nghiệp và nhận được những phản hồi tích cực về chất lượng phục vụ. Tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%.

Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích ngày càng phát huy hiệu quả sau hơn 3 năm triển khai. Theo báo cáo của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, có 39,5 triệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích, trong đó, riêng quý I/2020, số lượng hồ sơ được xử lý đạt 4 triệu tăng 26% so với 3,17 triệu hồ sơ của quý I năm 2019.

Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử cũng được đẩy mạnh thông qua việc triển khai Cổng DVC quốc gia, cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Được khai trương tháng 12/2020, Cổng DVC quốc gia là đầu mối kết nối với các cổng DVC và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về TTHC và cung cấp, hỗ trợ thực hiện DVC theo nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng. Với một địa chỉ truy cập duy nhất (www.dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dùng có thể đăng nhập được tất cả các Cổng DVC cấp bộ, cấp tỉnh để thực hiện DVC trực tuyến. Người dùng có thể theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết, và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Các thông tin, dữ liệu được chia sẻ, tái sử dụng, giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện TTHC, đặc biệt là những TTHC có liên quan đến nhiều cơ quan.

Từ 8 nhóm DVC được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng DVC quốc gia đã tích hợp, cung cấp 389 DVC trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho doanh nghiệp). Cổng DVC quốc gia đã cung cấp chức năng thanh toán trực truyến, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết TTHC và các DVC khác.

Tính đến ngày 7/5/2020, Cổng DVC quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVC quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVC trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVC quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm. Đã tiếp nhận, xử lý 5.465 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và hoàn thành việc xử lý 4.297 phản ánh, kiến nghị.

Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã có một số kết quả đáng kể, giúp đổi mới lề lối làm việc trong nội bộ các cơ quan Nhà nước.

Được khai trương từ tháng 3/2019, trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và 63 địa phương. Đến nay, gần 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia, theo tính toán sơ bộ, tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Tổng số văn bản gửi, nhận trong tháng 3 năm 2020 gấp 5 lần cùng kỳ năm 2019; trung bình mỗi tháng có khoảng 100.000 đến 150.000 văn bản gửi, nhận trên trục liên thông.

Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) khai trương tháng 6/2019 đã phục vụ 15 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (thay thế cho việc in ấn 51.000 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý 330 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế việc phát hành gần 53.000 phiếu giấy, hồ sơ tài liệu kèm theo.

Thứ tư, phát huy hiệu quả của các thiết chế tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã có những đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị đối thoại để cùng các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ sự quyết liệt của tổ công tác, những đề xuất có chất lượng, khả thi của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn.

Năm 2019, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) có điểm số trung bình tăng rõ rệt so với các năm trước. Vị trí của Việt Nam cải thiện đáng kể trên một số xếp hạng uy tín của các tổ chức quốc tế. Cụ thể: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu 2017-2019 tăng 21 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và vị trí thứ 5 ASEAN; Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 ASEAN; chỉ số phát triển bền vững xếp thứ 57/156 quốc gia, tăng 11 bậc và đứng thứ 3 ASEAN; Tạp chí US News &World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc top 10 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Hoàng Yến

Ảnh: HY