Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa lũ triền miên là huyện miền núi Phước Sơn lo ngay ngáy về tình trạng lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng tại nhiều xã vùng cao; có năm từng gây chết và mất tích hàng chục người.

Riêng cơn bão số 9/2020, dòng suối Nước Xe (Phước Kim) vốn dĩ hiền hoà, thân thương đã nổi cơn cường nộ cuốn trôi toàn bộ 26 căn nhà của người Bh’noong tại thôn Trà Văn A; cùng nhiều nhà, tài sản khác trong xã bị hư hại nặng nề, khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân rơi vào bế tắc, khốn khó.

Chia sẻ nỗi đau với người đồng bào, anh Tám tự nguyện bỏ công của đầu tư xây lại nhà mới thay những tấm bạt, liếp tranh lợt tạm xuyên trời cho họ.

Chỉ trong vòng hơn 2 tháng khẩn trương thi công, 16 ngôi nhà mới với diện tích 50m2, trị giá 100 triệu đồng/nhà bằng vốn vay đã được hoàn chỉnh và bàn giao cho người dân sử dụng; kịp đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ngoài ra, anh Tám còn hỗ trợ cho bà con lương thực, nhu yếu phẩm và cả máy phát điện phục vụ thắp sáng cho các hộ dân.

Về thăm đồng bào Trà Văn A trong ngày hội mừng nhà mới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng đã vui mừng khi tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang. Đây là niềm vui không chỉ của riêng các hộ dân bị thiệt hại, mà còn của cả chính quyền và cộng đồng dân cư sở tại sau những ngày tất bật khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Lê Văn Dũng cũng bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng vì cộng đồng của doanh nghiệp tại huyện Phước Sơn, đó là Cty Lý Châu Giang.

leftcenterrightdel
Anh Lý Minh Tám. Ảnh: N.P 

Quê anh Tám ở Ngọc Thanh, Mê Linh, Vĩnh Phúc.

Năm 1997, anh về vùng đất mới lập nghiệp với muôn vàn khó khăn và chỗ dựa tinh thần là người bà con cùng quê vào Phước Sơn trước đó.

Buổi đầu ấy rất gian truân, anh nhớ lại việc lưu thông từ TP Đà Nẵng về Phước Sơn hơn 120km, nhưng phải mất hơn cả ngày đường mới đến nơi được.

Vốn là người dân tộc thiểu số Sán Dìu sinh sống dưới chân dãy Tam Đảo mây phủ bốn mùa, nên khi nhìn những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn anh thích lắm. Có kiến thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp, anh Tám dồn tiền mua ngay một vạt rẫy của người dân địa phương và bắt đầu khởi nghiệp bằng một trang trại nhỏ; tận dụng hết đất đai trồng các loại cây ăn quả, nuôi heo, gà, vịt..

Thời điểm ấy, địa bàn Phước Sơn là đang là “thủ phủ” của nạn đào đãi vàng trái phép trên khắp các cánh rừng, đồi núi; thu lợi lớn cho các chủ bãi, đầu nậu. Anh Tám không chọn con đường đầy hiểm nguy ấy, mà mạnh dạn thành lập doanh nghiệp mang tên dòng họ mình là Cty Lý Châu Giang vào năm 2009 - một trong những doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi trên vùng đất hoang sơ, nghèo khó này để làm ăn bài bản.

Hoạt động của doanh nghiệp bao trùm nhiều lĩnh vực, thu hút từ 50 - 70 lao động thời vụ, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định. Cty Lý Châu Giang đã góp phần làm cho bộ mặt thị trấn Khâm Đức ngày thêm khởi sắc và anh luôn đồng cảm với cuộc sống của bà con dân tộc ở Phước Sơn bằng nhiều việc từ thiện. 

Hoạt động có lãi, anh Tám dành phần lợi nhuận hỗ trợ bà con làm kinh tế, phát triển vườn rừng, chăn nuôi bò, heo; đặc biệt là quan tâm trao thưởng, tặng quà các em học sinh nghèo học giỏi, hiếu học…

Trường Mầm non Sơn Ca (Khâm Đức) có cả thảy 4 điểm trường, thu hút gần 250 con em, trong đó 90% là của đồng bào thiểu số vào học; nhưng còn chật vật về kinh phí và không thể xã hội hoá được vì phụ huynh các em còn nghèo khó. Anh Tám đã tự nguyện hỗ trợ cả trăm triệu đồng đầu tư và trực tiếp đi mua sắm trang, thiết bị khu vui chơi cho điểm trường trung tâm.

Hôm chúng tôi đến thăm trường thấy các em nhỏ đang nô đùa trên máng trượt, cô giáo Nguyễn Thị Nhật Kiều, Hiệu trưởng xúc động nói: “Nếu không có lòng hảo tâm chia sẻ của chú Tám thì không biết đến bao giờ trường mới trang bị được khu vui chơi hoàn chỉnh, đầy đủ các món cho trẻ chơi như thế này…”!

leftcenterrightdel
Niềm vui của trẻ em Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn). Ảnh: N.P 

Đại dịch bệnh Covid-19 ập đến vùng núi Phước Sơn. Cuộc sống của người dân vốn khó khăn lại thêm chồng chất. Vậy là, hàng trăm xuất quà gồm lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn được Cty Lý Châu Giang nhanh chóng chuyển đến tay người dân. Anh Tám cũng tham gia vào Đội cơ động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Từ tháng 10/2021, dịch bệnh thêm diễn biến phức tạp, hàng ngày có hàng nghìn lượt người từ các tỉnh phía Nam xuyên qua đường Hồ Chí Minh trên địa bàn Phước Sơn về quê tại phía Bắc tránh dịch; đồng cảm với nổi vất vả của họ, anh Tám cùng nhân viên Cty tự nấu ăn, cơm đùm tiếp tế cho nhiều đoàn xe máy chạy qua huyện về phía Bắc.

Trong nỗi gian truân trên đường tránh dịch, không may có cặp vợ chồng bị tai nạn giao thông hư hỏng cả xe máy, anh Tám liền ủng hộ 15 triệu đồng mua sắm xe máy mới tặng cho hoàn cảnh này; cùng kinh phí hỗ trợ cho 6 người đi xe máy trong nhóm, mỗi người 1 triệu đồng.

Nhớ lại, có lúc cả trăm người, đa phần là học sinh các trường ở Phước Sơn bị lây nhiễm Covid-19; nên địa phương đã lập nhiều khu cách ly, phong tỏa. Cty Lý Châu Giang đã tích cực hỗ trợ giúp đỡ lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, mỗi ngày nấu hàng trăm xuất cơm chuyển đến các khu vực phong tỏa, cách ly dịch bệnh cho người dân và các chốt kiểm soát.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nhận xét, không chỉ tham gia tích cực các công tác từ thiện xã hội, Cty Lý Châu Giang của anh Lý Minh Tám còn là đơn vị đi đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhiều phong trào khác ở huyện Phước Sơn.

Như con ong cần mẫn rót mật ngọt cho đời, hành động của anh Lý Minh Tám đã được nhiều cấp, ngành ghi nhận: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen trong công tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen về thành tích khắc phục bão lụt thiên tai năm 2020. Đặc biệt, 2 năm (2020 - 2021), anh Tám được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ngọc Phó