Vẫn chênh lệch trong chăm sóc sức khỏe sinh sản giữa các vùng miền

Với tỷ lệ tử vong mẹ giảm 4 lần và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh xuống còn một nửa trong những thập kỷ gần đây, chỉ số sức khỏe bà mẹ trẻ em của Việt Nam ưu việt hơn so với các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương.

Các chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) sinh con đúng chính sách dân số, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản được triển khai thực hiện. Nhờ vậy, chất lượng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình từng bước được nâng lên; các chỉ số về sức khỏe sinh sản cho đồng bào vùng sâu, vùng xa được cải thiện; tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm hằng năm.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đánh giá, tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục giữa các dân tộc và vùng miền.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, các bằng chứng hiện tại cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức cao với 100-150 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống ở các vùng miền núi và vùng DTTS, đặc biệt là ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.

Trong số các ca tử vong mẹ tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, phụ nữ thuộc nhóm DTTS dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ rất cao, ví dụ, phụ nữ dân tộc Hmông chiếm 60% và phụ nữ dân tộc Thái chiếm 17%.

Tại khu vực này, tỷ số tử vong mẹ ở các bà mẹ là người dân tộc Hmông cao gấp 7 lần so với phụ nữ dân tộc Kinh. Hơn một nửa số ca tử vong mẹ xảy ra tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh do năng lực quản lý các biến chứng thai sản của các cơ sở y tế vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, vị trí địa lý xa xôi, khó tiếp cận, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, rào cản văn hóa và hiểu biết hạn chế về các biến chứng thai sản cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong mẹ gia tăng.

Kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS Việt Nam cũng cho thấy, tỷ suất sinh của người DTTS là 2,35 con/phụ nữ. Mức sinh này cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ.

Thời gian qua, Việt Nam rất chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe khi sinh cho phụ nữ vùng DTTS, tuy vậy, vấn đề này chưa thật sự đồng đều giữa các dân tộc. Cụ thể, cũng theo kết quả của cuộc điều tra thu thập thông tin, tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai có đến các cơ sở y tế khám thai trong lần sinh gần nhất đạt 88%. Tuy nhiên, một số dân tộc có tỷ lệ phụ nữ khám thai rất thấp, như dân tộc như La Hủ (45,3%), La Ha (63,5%), Mảng (65,9%).

Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con tại các cơ sở y tế đạt 86,4%, phụ nữ DTTS sinh tại nhà có cán bộ chuyên môn đỡ 3,9%, phụ nữ sinh tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ là 9,5%, tại nơi khác là 0,2%; nhưng các dân tộc như: Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%, 38,8%, 37% và 36,5%.

Nỗ lực thúc đẩy các giải pháp bình đẳng giới

Theo Vụ Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, cải thiện tình trạng sức khỏe của những đối tượng bị bỏ lại phía sau, bao gồm cả người DTTS, là trọng tâm trong chương trình nghị sự về phát triển của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khó khăn như: còn có sự khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền. Bên cạnh đó, tử vong sơ sinh còn cao và giảm chậm.

Trong khi đó, mặc dù người DTTS chiếm 15% tổng dân số, nhưng tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của nhóm này cao gấp 3,5 lần so với người Kinh. Hơn nữa, còn có nhiều trường về tử vong trẻ sơ sinh và thai chết lưu không được báo cáo, đặc biệt là ở vùng nông thôn miền núi nơi dân số chủ

Cùng với đó, vẫn có sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các nhóm dân cư có mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao và thấp, giữa các nhóm DTTS và đa số, và những người sống ở nông thôn và thành thị. Phụ nữ DTTS thuộc các hộ nghèo có nguy cơ không tiếp cận tới được các dịch vụ chăm sóc trước sinh cao hơn 3 lần, không được đỡ đẻ bởi nhân viên y tế có chuyên môn cao hơn 6 lần.

Nguyên nhân của tình trạng trên được phân tích dưới nhiều góc độ. Như, còn nhiều hạn chế, yếu kém của hệ thống y tế ở vùng DTTS, các trạm y tế xã còn hạn chế về năng lực trong đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản của phụ nữ và nam giới DTTS.

Bên cạnh đó, rào cản ngôn ngữ giữa cán bộ y tế và người dân; những tập tục văn hóa lâu đời ở một số DTTS không cho phép phụ nữ đến cơ sở y tế khám thai và sinh con; muốn được nhân viên y tế nữ khám bệnh và không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ; ở một số khu vực miền núi, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách tới cơ sở y tế xa...

Để khắc phục được tình trạng trên, các chuyên gia y tế cho rằng, cần thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử phức hợp, đan xen đối với phụ nữ DTTS trong quá trình tiếp cận các dịch vụ sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp cụ thể, như: Tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ DTTS tới dịch vụ chất lượng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người DTTS, đặc biệt là nữ DTTS về các vấn đề này. Cần phân bổ đủ nguồn lực trong ngân sách quốc gia dành cho chăm sóc sức khỏe với trọng tâm là bà mẹ và trẻ em DTTS. Tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở tại vùng DTTS để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản linh hoạt, dễ tiếp cận, miễn phí và bảo đảm chất lượng. Trang bị kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế ở vùng DTTS về bình đẳng giới, ngôn ngữ DTTS và thích ứng với văn hóa các DTTS... 

Phương Anh