Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, quá trình theo dõi, đánh giá cho thấy có rất nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay trong thực hiện cuộc vận động và thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước khác tại các địa phương.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, hội thảo cũng là dịp để đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cùng nhau trao đổi, thảo luận, lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia gợi ý, đề xuất những phương thức hiệu quả hơn trong triển khai cuộc vận động trong thời gian tới.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị, nội dung thảo luận cần tập trung làm rõ cơ sở, căn cứ và nêu giải pháp nhằm đổi mới nội dung phương thức triển khai cuộc vận động để Mặt trận phát huy được vai trò làm chủ và tính sáng tạo của nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho rằng, nhằm hỗ trợ các huyện sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, TP Hà Nội đã đứng ra làm cầu nối giữa các quận nội thành với các huyện ngoại thành trong việc tập trung nguồn lực, hình thành mô hình "Quận giàu đi với huyện nghèo”.

Bà Đặng Thị Phương Hoa cho biết, trong năm 2021 và năm 2022, tổng kinh phí 8 quận của TP Hà Nội đã hỗ trợ cho các huyện trên 444,5 tỷ đồng; nguồn kinh phí này được sử dụng để nâng cấp hạ tầng kinh tế - văn hoá - xã hội, phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn 6 huyện đang về đích nông thôn mới là: Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên và Phúc Thọ.

Theo đề xuất của bà Đặng Thị Phương Hoa, cần tăng cường công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ với UBND và các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội xác định rõ các chỉ tiêu từ đó có lộ trình, thời gian phù hợp để thực hiện các nội dung cuộc vận động ở từng cấp, từng ngành.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần giải thích rõ nội hàm của các từ ngữ nêu trong tên của cuộc vận động; cần làm rõ "giai đoạn mới" là giai đoạn nào, có đặc thù và những điểm khác biệt gì so với giai đoạn khác, từ đó mới có thể định hướng đúng nội dung, hình thức cần triển khai.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, để nâng cao hơn nữa chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Mặt trận các cấp cần quan tâm phát huy vai trò của các chuyên gia trong việc nghiên cứu, tìm ra những giải pháp chuyên sâu, có tính khả thi cao.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh Trần Xuân Nhiên cho rằng, điểm nổi bật trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương này là MTTQ các cấp tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, hiến công để xây dựng giao thông nông thôn và các công trình dân sinh ở nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có 89/89 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo ông Trần Xuân Nhiên, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, MTTQ cấp xã cần phát huy trách nhiệm trong việc tổ chức phản biện dự thảo các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về xây dựng nông thôn mới, những chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhận định, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp hiệu quả xuất phát từ thực tiễn tại cơ sở, để tiếp tục định hướng triển khai thực hiện nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Mặt trận các cấp cần tăng cường giám sát, phối hợp với các tổ chức thành viên, với chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước bám sát với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sức lan tỏa đến đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý.

Thanh Thanh