Báo cáo tại buổi khảo sát, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường cho biết, đến nay, Ban Điều hành đã hoàn thành và công bố kết quả giai đoạn 1 của 3 trụ cột đề án. Đó là kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội.

Việc triển khai cổng dữ liệu cung cấp nơi khai thác tập trung kho dữ liệu dùng chung của TP phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu để thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước TP.

Ngoài ra, một phần của kho dữ liệu dùng chung của TP đã được chia sẻ qua cổng dữ liệu mở, bước đầu chia sẻ tài nguyên dữ liệu với người dân, doanh nghiệp, khuyến khích người dân tích cực tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội.

leftcenterrightdel

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: TN 

Đồng thời, khuyến khích sự hợp tác người dân, doanh nghiệp cũng như chính quyền cùng tham gia sử dụng dữ liệu mở, tạo ra sản phẩm giá trị mới đóng góp cho hệ sinh thái ứng dụng của TP, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tri thức, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp….

Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, mục đích của buổi khảo sát nhằm nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” thời gian qua.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, việc xây dựng TP trở thành đô thị thông minh là một trong những vấn đề mới đối với đất nước và TP, bởi lẽ pháp luật hiện hành chưa có quy định hoặc có nhưng chưa phù hợp. Nếu được điều chỉnh kịp thời sẽ hỗ trợ cho TP triển khai hiệu quả hơn, kịp thời hơn các nội dung của đề án.

Tuấn Nhật