Kỳ vọng giảm ùn tắc

Tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung là con đường huyết mạch giao thông phía Tây của Thủ đô, đi qua các quận trọng điểm như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm. Thế nhưng cứ đến giờ cao điểm, tuyến đường này lại trở thành nỗi “khiếp sợ" với người tham gia giao thông.

Mặc dù tuyến đường được xây dựng 5 làn và có thể xem là một trong những con đường rộng nhất Thủ đô, nhưng khi đến nút giao Ngã Tư Sở, con đường này lại hẹp dẫn đến sự ùn tắc giao thông.

Để xử lý vấn đề này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức thí điểm phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi với mục đích tách làn riêng ô tô, xe máy. Thời gian thí điểm từ 6/8 đến 6/9.

Việc phân làn được thực hiện theo hướng: 2 làn sát vỉa hè sẽ cho phép xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động; làn 3, 4 làn sát dải phân cách dành riêng cho ô tô. Hà Nội cũng điều chỉnh phân làn bằng dải phân cách cứng (mũi tên phản quang, trụ chống va xô bằng lốp, hàng rào di động...) kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, trục Nguyễn Trãi có đặc thù là làn đường rộng, nhưng đường ngang rất nhiều, lưu lượng giao thông lớn nên việc tổ chức giao thông rất phức tạp. Trong bối cảnh lưu lượng giao thông ngày càng tăng, đặc biệt là nhiều ô tô con thì việc tổ chức lại giao thông trên trục này là cần thiết.

Từ thực tế đó, Sở GTVT Hà Nội kỳ vọng, việc lắp đặt dải phân cách sẽ giảm ùn tắc, tăng tốc độ lưu thông trên tuyến đường và đặc biệt là giảm tai nạn.

Để giải pháp phân làn đạt hiệu quả, Sở GTVT cho biết, lực lượng chức năng phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn phân làn. Cùng với đó, người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định khi lưu thông trên tuyến này.

Đến nay, việc phân làn vẫn đang trong thời gian thí điểm. Tuy nhiên, những người thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến đường này đã phải ngao ngán thốt lên rằng việc phân làn... "có cũng như không" bởi các phương tiện ô tô và xe máy đi lẫn lộn vào làn của nhau. 

leftcenterrightdel
 Để dải phân cách phát huy hiệu quả, cơ quan chức năng cần lắp camera giám sát những trường hợp đi sai làn để có chế tài xử lý. Ảnh: H.H

Chưa phù hợp?

Theo người dân sống xung quanh khu vực này, ngày đầu tiên thực hiện phân làn, ô tô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau và đến nay sau hơn 2 tuần thí điểm, tình trạng này vẫn diễn ra.

Chị Ninh Hồng (36 tuổi, Hạ Đình, Thanh Xuân) cho biết: Việc phân làn trên là ý tưởng tốt, tuy nhiên phải nghiên cứu kỹ để phù hợp với thực tế, bởi trên đường Nguyễn Trãi có rất nhiều đường rẽ, chung cư, nếu để dải phân cách cứng thì người dân muốn chuyển làn vào các con ngõ, khu chung cư sẽ gặp khó khăn. Tôi lo ngại, việc phân làn bằng dải phân cách cứng sẽ làm ngăn lối vào của người dân tại các chung cư, con ngõ, điều này làm gia tăng áp lực giao thông trên cung đường này.

Chứng kiến thực tế những ngày qua, chị Hồng cho biết, vẫn còn tình trạng các phương tiện đi lấn làn, không tuân thủ theo dải phân cách. Để dải phân cách phát huy hiệu quả, cơ quan chức năng cần lắp camera giám sát những trường hợp đi sai làn để có chế tài xử lý.

Là người thường xuyên di chuyển trên đường Nguyễn Trãi, chị Hải Vân (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Khi biết Hà Nội dựng dải phân cách trên đường Nguyễn Trãi tôi rất hi vọng dải phân cách sẽ giúp các phương tiện dễ dàng di chuyển hơn, các xe không "đi lộn xộn", lấn làn nhau, góp phần giảm tình trạng tắc đường.

Tuy nhiên, thực tế thì lại hoàn toàn khác. "Ngày đầu tiên nhìn thấy xe máy và ô tô vẫn đi vào làn của nhau, tôi nghĩ chắc do mọi người chưa biết, có thể thời gian nữa mọi thứ sẽ đi vào quy củ. Nhưng những ngày sau đó, tình trạng “đi lộn xộn” vẫn tiếp tục diễn ra mà không thấy có sự nhắc nhở của lực lượng chức năng. Có lẽ hi vọng của tôi khó xảy ra” - chị Hải Vân bày tỏ.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, lý do chọn tuyến đường Nguyễn Trãi để thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng là bởi đây là tuyến trung tâm, trên tuyến có nhiều tuyến đường giao cắt, ngõ và khu dân cư, chung cư... nên mật độ tham gia giao thông rất lớn. Việc thí điểm tại tuyến đường Nguyễn Trãi nếu làm giảm tình trạng ùn tắc sẽ là cơ sở để Sở GTVT triển khai ở những tuyến tiếp theo.

Trong thời gian thí điểm, Sở GTVT sẽ tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân tham gia giao thông chấp hành. Sau thời gian thí điểm, nếu người dân không đi đúng làn thì sẽ có những biện pháp xử phạt, đảm bảo người dân tuân thủ pháp luật.

Nhớ lại gần 2 thập kỷ qua, Hà Nội đã có nhiều đợt thí điểm phân làn giao thông trên nhiều tuyến phố. Đơn cử, vào năm 2005, TP thí điểm phân làn ở đường Kim Mã; năm 2008 ở trục đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân; năm 2009 ở đường Giải Phóng, năm 2011 ở các tuyến phố Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; Giải Phóng; Bà Triệu; phố Huế - Hàng Bài... Tuy nhiên, phương án này của TP chưa phát huy tác dụng. Và đến đầu năm 2015, Hà Nội đồng loạt dỡ bỏ.

Với người dân việc phải lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm đã trở thành nỗi “ám ảnh". Do vậy, khi TP tiến hành đặt dải phân cách, nhiều người đã kỳ vọng, việc làm này sẽ "giải cứu" giao thông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ lo ngại, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp quyết liệt, kiểm tra, xử lý vi phạm thì giải pháp này có nguy cơ đi vào "vết xe đổ" của nhiều năm trước đó.

Hải Hà