Chiều 20/4, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của TP.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 8.300 - 8.500 USD

Theo dự thảo, đến năm 2025, Thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 TP dự kiến đặt ra trong dự thảo là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,5-8,0%; cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 65 - 65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5 - 23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4 - 1,6%; đầu tư phát triển toàn xã hội 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%...

Dự thảo kế hoạch cũng nêu rõ một số cân đối lớn cần đảm bảo. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 1.405 nghìn tỷ; dự kiến tổng chi ngân sách địa phương khoảng 613,7 nghìn tỷ đồng.

TP sẽ từng bước cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, phấn đấu đến năm 2025 ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương; tập trung nguồn lực, bố trí cho chi đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý; phấn đấu để ổn định khoảng 45 - 48% tổng chi vào năm 2030…

TP dự kiến đảm bảo tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học, công nghệ khoảng 2%. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cải thiện chỉ số sáng tạo của TP... nhằm nâng cao mức đóng góp trong tăng trưởng.

Công nghiệp, du lịch phát triển theo hướng nào?

Đóng góp ý kiến vào dự thảo, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong Chương trình 02 của TP, kế hoạch 5 năm đã đưa ra mục tiêu phát triển mới, phát triển 2 - 3 khu công nghiệp; hoàn thành, khởi công trong giai đoạn này 43 cụm công nghiệp; phát triển mới, xây dựng mới, thành lập mới thêm 46 cụm công nghiệp nữa để đạt trên địa bàn TP đủ 159 cụm công nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt.

“Nếu lấp đầy 43 cụm công nghiệp; thành lập mới 46 cụm công nghiệp, Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn”, bà Lan nói.

Đối với lĩnh vực thương mại, Sở xác định tập trung thu hút đầu tư hạ tầng thương mại. Khu vực vùng nông thôn thì thực hiện cải tạo, xây dựng hệ thống chợ khang trang, sạch đẹp, tạo nguồn thu ngân sách cho TP lâu dài.

Sở Du lịch cho biết, với các chỉ tiêu đặt ra ngành Du lịch tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất là 35 triệu khách đến năm 2025 với tổng doanh thu trên 150 nghìn tỷ đồng.

Ngành Du lịch đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ tạo được đà tăng trưởng, theo đó ngành tập trung tạo ra sản phẩm độc đáo cho du lịch, sản phẩm chủ lực mới, phát triển hạ tầng kết nối du lịch; tận dụng cơ hội của 5 năm trước để phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số…

Liên quan đến phát triển du lịch, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, địa bàn Hoàn Kiếm xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch và Hoàn Kiếm đang chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng này.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu. Ảnh: NPK 

Quận đang tập trung cho quy hoạch, củng cố lại các chức năng của các khu vực; với lĩnh vực du lịch tập trung phát triển kinh tế đêm, tổ chức các không gian phố đi bộ gắn với các phố nghề để thúc đẩy phát triển du lịch; cải tạo hạ tầng, gắn với công nghệ trong quản lý đô thị, phát triển du lịch.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh gợi mở thêm: “Quận xem xét, xây dựng thí điểm một số tuyến phố kiểu mẫu gắn với phố đi bộ. Kiểu mẫu mọi mặt từ chuyện vứt rác, gắn với đô thị xanh, gây ấn tượng để thu hút du khách và nhân rộng”.

Cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ hàng đầu

Là một trong những quận “lõi” đang phải đối mặt nhiều vấn đề đô thị, đại diện quận Hai Bà Trưng kiến nghị, hoàn thành các quy hoạch phân khu trong năm 2021 và sớm đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ để đảm bảo đời sống người dân; xác định rõ nguồn lực, tiến độ thời gian thực hiện…

Về việc này, Chủ tịch UBND TP khẳng định, cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ hàng đầu được Thường trực Thành ủy xác định rõ và sẽ quyết tâm thực hiện bằng được trong nhiệm kỳ…

Tại hội nghị, Sở Nội vụ nêu vấn đề tồn tại về biên chế, kiến nghị cần bổ sung vào dự thảo việc xây dựng chính sách riêng về tuyển dụng nhân tài và đề án thi tuyển lãnh đạo.

Nêu một số vấn đề quan trọng trong dự thảo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh; củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị; tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến vành đai 4, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông yêu cầu, cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành, hiệu quả kinh tế - xã hội cũng cao hơn việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.

Hải Hà