Sau khi phát hiện sự nhầm lẫn trên, người dân Trà Vinh đã nhiều lần đưa ra cơ sở về nguồn cơn xa xưa ông bà của họ là thuộc về địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Một số người dân tộc thiểu số Ca Dong (thôn 3, Trà Vinh) cho biết, nơi họ đang ở trong chiến tranh giải phóng đất nước còn là căn cứ cách mạng; nhiều người cống hiến công lao đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước đều ghi địa chỉ là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).

Sau năm 1997, mới chia tách thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Người dân nơi đây còn đăng ký khai sinh, hộ khẩu thường trú hay lập nghĩa trang chôn cất mồ mả ông bà cũng ghi địa danh cụ thể là tỉnh Quảng Nam.

Điều đó khẳng định khu vực họ sinh sống lâu đời nay là xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Vì vậy, họ không muốn trở thành công dân “bất đắc dĩ” của xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Một lãnh đạo UBND xã Trà Vinh cho hay, diện tích đất chồng lấn ĐGHC giữa Trà Vinh với xã Đăk Nên khoảng 6.500ha, trong đó người dân quản lý, canh tác là hơn 3.000ha, còn lại là rừng phòng hộ; chủ yếu tập trung ở thôn 3, Trà Vinh hiện có 232 hộ với 1.047 nhân khẩu đều là đồng bào Ca Dong.

Nhiều diện tích đất đồng bào trồng cây lâu năm như cây quế (đặc sản của Nam Trà My - PV) nay đã cao to, có cây vài người ôm không xuể, chứng tỏ nó được trồng cả chục năm nay trên đất Quảng Nam.

Do vậy, dù không có tranh chấp nhưng khi nghe tin mình thuộc dân huyện Kon Plông, Kon Tum thì người dân Trà Vinh không muốn, mà nguyện vọng là ở lại với Quảng Nam. Vì, mảnh đất này đã gắn bó bao đời nay với tập quán phong tục riêng của họ cũng như bề dày lịch sử xây dựng và phát triển địa phương.

Bởi thế, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, người dân đề nghị Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh đường ĐGHC theo Chỉ thị 364 trùng khớp với đường địa giới truyền thống mà người dân Trà Vinh và Đắk Nên đã sinh sống, quản lý và sản xuất từ bao đời nay.

Vào năm 2008, chính quyền Nam Trà My và Kon Plông đã tổ chức khảo sát, trưng cầu ý nguyện người dân về việc chọn nơi ở một cách công khai, minh bạch. Kết quả, người dân thôn 3, xã Trà Vinh mong được ở lại Quảng Nam như lâu nay và không di dời đến địa chỉ nào nữa.

Quảng Nam cũng đã có nhiều văn bản báo cáo và kiến nghị các nội dung liên quan lên Trung ương, đề xuất Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ tổ chức chủ trì cuộc làm việc chung để nghe ý kiến của người dân và các địa phương nhằm tìm hướng giải quyết phù hợp, dứt điểm.

Chính quyền xã Trà Vinh cũng đề nghị lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum sớm chấp nhận phương án chuyển hơn 3.000ha đất theo ĐGHC thuộc xã Đăk Nên cho xã Trà Vinh để giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân sở tại. Tuy nhiên, giữa 2 địa phương chưa tìm được phương án thống nhất.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nêu quan điểm, nguyện vọng của người dân tại khu vực chồng lấn là không chuyển hộ khẩu về tỉnh Kon Tum, không di dời nơi ở khác.

Vì thế, cần nghiên cứu từ thực tiễn bản đồ, ĐGHC và đưa ra nhiều phương án để giải quyết thấu tình đạt lý. Mấu chốt là phải lấy ý kiến của người dân để làm sao cho cả hai bên đều yên ổn, không để xảy ra vấn đề phức tạp.

Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My) đang sống trên địa bàn xã Đăk Nên (huyện Kon Plông), vào đầu tháng 11/2022, tại thôn 3 xã Trà Vinh, tổ công tác liên ngành 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum tổ chức họp lấy ý kiến người dân thôn 3, Trà Vinh đang sống trên địa bàn xã Đăk Nên.

Thông qua đó, phát phiếu trưng cầu ý kiến của người dân thôn 3, Trà Vinh về việc chuyển hộ tịch, hộ khẩu về tỉnh Kon Tum hoặc điều chỉnh ĐGHC của 2 địa phương.

Theo nguyện vọng của nhiều người dân khi được tham gia lấy ý kiến, bà con mong muốn được tiếp tục gắn bó làm ăn, sinh sống trên mảnh đất của cha ông gây dựng thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; muốn được giữ nguyên hộ khẩu ở tỉnh Quảng Nam.

Sau đó, tổ công tác tiếp tục lấy ý kiến người dân 2 xã Trà Vinh và Đắk Nên. Đồng thời, tiến hành các công việc tiếp theo được nêu trong biên bản làm việc giữa đoàn công tác cấp cao tỉnh Kon Tum với đoàn công tác cấp cao tỉnh Quảng Nam, để giải quyết nguyện vọng người dân xã Trà Vinh, Nam Trà My, Quảng Nam đang sinh sống trên địa bàn xã Đắk Nên, Kon Plông, Kon Tum.

Được biết, trong những năm qua, do việc chồng lấn ĐGHC khu vực này chưa được giải quyết ổn thoả, dẫn đến việc đầu tư các dự án, công trình hạng mục cơ sở hạ tầng tại đây chưa được triển khai vì tình cảnh “cha chung”, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân đang gặp khó khăn tiếp tục khó khăn hơn, nhất là đời sống sinh hoạt của người dân.

Nguyên Phê