Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng

Theo ông Vũ Đăng Minh, Trưởng ban Dân tộc, UBTƯ MTTQ Việt Nam, nhiều địa phương đã phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu, các tổ tự quản trong việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với việc kiểm tra, giám sát, tuần tra, bảo vệ vùng biên giới.

Trong mọi mặt công tác, tổ chức MTTQ các cấp đã phối hợp với Ban Dân tộc vận động đồng bào DTTS tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của chính quyền cơ sở và hướng dẫn của ngành y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình ở khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ Covid cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để thực hiện việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế...

Tổ chức vận động người dân dọc các tuyến biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng, công an giám sát, kiểm tra, tham gia tuần tra bảo vệ, quản lý biên giới, không chỉ để bảo vệ “vùng xanh” ở nông thôn, miền núi mà còn ngăn chặn kịp thời việc xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới làm lây lan dịch bệnh; biểu dương các tổ chức và cá nhân vùng đồng bào DTTS tích cực tham gia phòng, chống Covid-19.

Phối hợp tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ kịp thời đối với lao động là người DTTS từ vùng dịch trở về địa phương, triển khai kịp thời các gói hỗ trợ đến đồng bào DTTS, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ phù hợp, không để đồng bào DTTS bị thiếu đói do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Ở nhiều địa phương, vùng DTTS đã triển khai các hoạt động phòng, chống dịch phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Các bản tin được phát trên loa phát thanh địa phương, các thông tin về dịch bệnh Covid-19 được đăng trên các trang fanpage của đoàn - hội - đội các cấp, các đội thanh niên tình nguyện, đội phản ứng nhanh được lập ra, sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19...

Dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hành

Một số địa phương đã dịch các bản tin có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh sang tiếng dân tộc để người đồng bào DTTS hiểu rõ hơn những khuyến cáo của Bộ Y tế về cách phòng, chống dịch Covid-19.

Xã biên giới Thuận An, huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông có hơn 30% dân số là người đồng bào dân tộc M’Nông, sống tập trung tại 2 bon Sa Pa và Bu Đắk. MTTQ, Đoàn Thanh niên xã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An áp dụng nhiều hình thức để tuyên truyền; các nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 được biên dịch và thu âm sang tiếng M’Nông với nội dung ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hành để giúp người dân chủ động phòng, chống dịch.

Đoàn Thanh niên cùng với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An còn treo nhiều panô, áp phích bằng 2 thứ tiếng Kinh và M’Nông về 6 bước phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm tập trung đông người M’Nông. Từ đó giúp người M’Nông nắm rõ cách phòng dịch, cách rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh trong nhà, hạn chế qua lại thăm thân bên Campuchia làm giảm tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Tại Hà Nội, bằng các giải pháp tích cực, linh hoạt, đồng bào DTTS ở Thủ đô Hà Nội đã được tạo điều kiện tốt nhất trong tiếp cận vắc xin phòng Covid-19. Đồng bào dân tộc Mường, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có trên 5.580 hộ đồng bào DTTS với hơn 12.450 nhân khẩu, nhiều nhất là người Hoa, Chăm và Khmer. Đa số làm việc trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn, một số buôn bán nhỏ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm, nên đời sống nhiều hộ người DTTS rất khó khăn. Phát huy vai trò khối đại đoàn kết, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các xã, thị trấn quan tâm chăm lo đời sống bà con đồng bào DTTS trên địa bàn.

Những “chuyến xe yêu thương” mang những phần quà, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả dành tặng cho đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay.

Nhân dịp Đại lễ Raya Idil Adha của đồng bào dân tộc Chăm, đại diện MTTQ thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm, chúc mừng và trao tặng 26 phần quà cho các chị em khu nhà trọ đồng bào Chăm tại ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.

Sớm tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho bà con dân tộc Chăm sinh sống tại khu vực Thánh đường Hồi giáo Hayatul Isla của phường 12, quận 10.

Với mong muốn sớm đưa cuộc sống của người đồng bào DTTS ổn định trở lại, nhằm phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận, tổ dân phố, các chi hội, đoàn thể, các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào DTTS, các tổ Covid cộng đồng nhanh chóng được thành lập để giám sát và vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch.

Nhiều mô hình, nhiều cách làm hiệu quả

Nhiều mô hình, nhiều cách làm hiệu quả đã lan tỏa nhiều yêu thương, chia sẻ, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, đồng bào vùng dịch cả nước nói chung và đồng bào DTTS nói riêng của tổ chức Mặt trận và các tổ chức thành viên.

Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính xã, thị trấn, với tổng dân số trên 83.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 42%. MTTQ huyện đã phối hợp kiện toàn, thành lập 113 tổ Covid cộng đồng, mỗi tổ phụ trách từ 30 - 50 hộ.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các tổ Covid cộng đồng huyện Tam Đảo đã phát huy vai trò nòng cốt, tuyên truyền giúp bà còn vùng đồng bào DTTS nâng cao nhận thức phòng, chống dịch. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền sớm đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Xã biên giới Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, với đặc thù có 90% đồng bào người dân tộc Tà Ôi với hơn 1.000 hộ dân ở 87 thôn, thì có 87 tổ Covid cộng đồng. Khi dịch bùng phát, MTTQ xã cùng Công an xã đến từng hộ gia đình tuyên truyền cách phòng ngừa dịch bệnh, cung cấp số điện thoại đường dây nóng của công an để người dân kịp thời thông báo những thông tin liên quan, để người dân không hoang mang trước tình hình dịch bệnh.

Mô hình “tiếng loa biên phòng” bằng hai thứ tiếng Kinh và Khmer xuất hiện tại tỉnh Sóc Trăng. Mô hình này khá đơn giản và tiết kiệm, nhưng lại phát huy tối đa hiệu quả đối với nơi có địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn. Thông qua mô hình, người dân đồng bào DTTS đã nghe, hiểu về mức độ nguy hiểm của COVID-19 và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngày 2 buổi sáng - chiều, cán bộ đội vận động quần chúng chở chiếc loa phía sau xe máy, chạy dọc các tuyến đường và phát các nội dung tuyên truyền đã được thu âm sẵn, tuyên truyền về công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện tốt thông điệp 5K, góp phần thực hiện thắng lợi "nhiệm vụ kép", bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và phòng, chống có hiệu quả Covid-19, hỗ trợ người dân nâng cao ý thức phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình “Đoàn Thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam được tập trung xây dựng nhiều tại các tỉnh Nghệ An, Hà Giang, Bình Định, Đắk Lắk, An Giang, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình...

Màu áo xanh tình nguyện đã xuất hiện ở các bản làng xa xôi, phát tờ rơi, xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang… để cùng đồng bào phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều cơ sở đoàn ở vùng sâu, vùng xa đã gõ cửa từng nhà dân, đến các khu đông dân cư, nơi công cộng như chợ phiên để tuyên truyền, phát tờ rơi, khẩu trang cho đồng bào DTTS phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều cơ sở đoàn vùng đồng bào DTTS đã xây dựng bản tin phòng, chống dịch Covid-19 bằng 3 thứ tiếng Kinh, Dao, Nùng, đăng tải trên mạng xã hội Facebook để tuyên truyền cho bà con phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động “san sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch” hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 và người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Với phương châm "chống dịch như chống giặc", xác định được việc tiêm phòng vắc xin đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống Covid-19, MTTQ các cấp đã và đang nhận được sự chung tay góp sức của người dân cả nước để thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho người dân, tiến tới miễn dịch cộng đồng.

Thanh Thanh