Tổn thất lớn do thiên tai

Cộng đồng vùng DTTS và miền núi chủ yếu sống ở các sườn núi, sườn đồi là những khu vực thường bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra và chịu nhiều thiệt hại lớn cả về người và của.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, riêng trong tháng 8/2021, thiên tai đã khiến nhiều vùng đồng bào DTTS chịu thiệt hại về người và tài sản, khiến 7 người chết, 4 người bị thương; 7 ngôi nhà bị sập và 1.656 nhà bị tốc mái, trong đó, tỉnh Yên Bái thiệt hại nhiều nhất với 533 nhà bị sập, tốc mái; tỉnh Cao Bằng có 240 nhà, tỉnh Lào Cai có 123 nhà, tỉnh Vĩnh Long có 110 nhà bị ảnh hưởng...

Sau cơn bão số 6 vào cuối tháng 9/2021, nhiều địa phương có địa hình rừng núi cao như Hoà Bình, Phú Thọ, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Kom Tum cũng thiệt hại lớn. Cơn bão đã làm 39 ngôi nhà và 2 trường học bị hư hỏng, tốc mái, 126ha lúa bị ngập, gãy đổ, 34ha hoa màu bị ảnh hưởng, 1 đập dâng và 1 trạm bơm bị hư hại, 16 điểm sạt lở.

Mới đây, ngày 24/8, mưa lớn đã gây ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh, huyện Na Hang, Tuyên Quang, làm 3 cháu nhỏ trong một gia đình người Mông tử vong.

Trước đó, năm 2019, tại miền núi Quan Sơn, Thanh Hóa, trận lũ quét đã làm 16 người chết và mất tích (trong đó huyện Quan Sơn có 13 người, huyện Mường Lát 3 người); ước tính thiệt hại khoảng 914 tỷ đồng.

Năm 2020, chúng ta chứng kiến cảnh đau thương do trận lũ bão lịch sử “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng xảy tại vùng DTTS và miền núi gây thiệt hại về người và của, như: Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế; Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam... cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ. Sạt lở đất và lũ quét gây thiệt hại ước tính trên 30 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong năm 2020, tại Hà Giang đã xảy ra 25 đợt mưa, lũ quét, sạt lở đất; làm chết 14 người, 20 người bị thương; làm hư hỏng 7.485 ngôi nhà và nhiều tài sản khác, ước thiệt hại trên 840 tỷ đồng; tại Kon Tum, nắng nóng kéo dài khiến 14 công trình nước sinh hoạt tập trung và 1.641 giếng của người dân bị khô hạn, ảnh hưởng đến hơn 2.300 hộ dân; 1.014,61ha cây trồng bị khô hạn… Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính lên đến 656,15 tỷ đồng.

Có thể thấy, các tỉnh miền núi - nơi cư trú của đa phần các DTTS đã và đang phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai nhất. Đây cũng là địa bàn có tỷ lệ nghèo cao nhất so với mặt bằng chung của cả nước, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển khiến việc đi lại, cứu trợ khi thiên tai xảy ra khó khăn. Hoạt động sinh kế của đa phần người dân vẫn là sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

leftcenterrightdel
Thường xuyên xảy ra lũ cuốn, sạt lở đất gây tổn thất to lớn cho vùng DTTS và miền núi. Ảnh minh họa 

Theo dõi chặt diễn biến từng tình huống thiên tai

Mặc dù công tác chủ động ứng phó với thiên tai trong những năm qua đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai, vẫn còn nhiều thách thức khi diễn biến thiên tai ngày càng gia tăng cả về cường độ và tính bất thường. Trong khi đó, nhận thức của một số bộ phận cộng đồng người dân về những dự báo, cảnh báo thiên tai còn hạn chế, bất cập, thiếu đồng đều; chưa có sự quan tâm đúng hướng tới các hoạt động nâng cao nhận thức cụ thể cho các nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng thấp trũng ven biển…

Mùa mưa lũ đã và đang đến, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn  (KTTV) Quốc gia, tháng 10, tháng 11 và nửa đầu tháng 12 năm 2021, liên tiếp có các cơn bão/áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nước ta. Làm thế nào để giúp người dân, đặc biệt là người dân ở vùng núi, trung du, đồng bào DTTS  phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại là bài toán đặt ra cho các cấp, các ngành.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho rằng, ngoài việc tập trung kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp từ tỉnh tới cơ sở, phân công trách nhiệm từng thành viên, từng cơ quan, tổ chức, chúng ta cần phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, dự báo đúng tình hình, tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, sự cố gây ra.

“Đặc biệt, trong các bản tin dự báo ảnh hưởng của mưa bão hoặc lũ lụt, chúng tôi luôn có các bản tin dự báo kèm theo các hiện tượng mưa, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp của các địa phương bị ảnh hưởng. Các đài dự báo khu vực cũng thường xuyên chỉ đạo các đài địa phương cung cấp số liệu quan trắc phục vụ công tác chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ có các biện pháp làm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai”, ông Lâm nói.

Ngoài ra, các cơ quan KTTV cũng tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác, chú trọng, ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, dự báo KTTV, theo dõi, giám sát thiên tai; xây dựng, lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỉ lệ phù hợp là cơ sở quy hoạch, bố trí dân cư; triển khai các biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn tại các vùng ảnh hưởng, nhất là các vùng miền núi.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh, huyện Na Hang (Tuyên Quang) vào ngày 24/8, làm 3 cháu nhỏ trong một gia đình người Mông tử vong . Ảnh: Internet

Kiểm tra các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Ông Lâm cho rằng, cần tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt ở vùng DTTS và miền núi; thực hiện di dời người dân đến nơi an toàn; các địa phương cần rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn. Bên cạnh đó, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực có nguy cơ ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính. 

Đồng thời, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại cơ sở; ưu tiên bố trí ngân sách các cấp cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đầu tư xử lý dứt điểm các trọng điểm về đê điều, hồ đập, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, từng bước di dời dân cư, chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm.

Trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình như giao thông, thủy điện và các công trình phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp dân cư khu vực miền núi, cần tính toán khoa học, bền vững, vừa phát huy được công năng tối đa nhất, tăng độ che phủ rừng, làm giàu trữ lượng rừng, đồng thời thực hiện tốt công tác cảnh báo, dự báo sớm để phòng, chống thiên tai một cách chủ động, giảm thiểu thiệt hại.

Tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật có liên quan đến phòng, chống thiên tai, đặc biệt là quy trình, thủ tục liên quan tới công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai để bảo đảm công tác khắc phục hậu quả thiên tai được minh bạch, nhanh chóng, kịp thời, khắc phục tình trạng chậm trễ trong khắc phục hậu quả thiên tai.

Thái Hải