Từ điều kiện thuận lợi...

Xây dựng TP Sông Công thành đô thị loại II và sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế Bắc Bộ là điều mà Đảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương đang cố gắng làm được trong thời gian tới.

Sông Công là thành phố công nghiệp phía Nam của tỉnh Thái Nguyên; là đầu mối giao thông, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của vùng Đông Bắc Bắc bộ. TP Sông Công có vị trí khá thuận lợi, cách TP Thái Nguyên 20km về phía Nam, cách hồ Núi Cốc 17km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 45km, cách Hà Nội hơn 50km về phía Bắc. Nằm trên vị trí địa lý chuyển tiếp giữa khu vực trung du và miền núi, là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, thành phố có hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ thông suốt, tạo điều kiện giao lưu, giao thương với các vùng trong và ngoài tỉnh, nhất là với Hà Nội, Tam Đảo - Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang. 

Đồng thời đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và tuyến đường sắt Hà Nội - Quan Triều chạy qua Sông Công, rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh nói chung, của TP Sông Công nói riêng.

Một góc của TP Sông Công 

Những năm 70 của thế kỷ trước, tại Sông Công đã hình thành khu công nghiệp cơ khí Gò Đầm với ba nhà máy (nay là ba công ty): Y cụ số 2, Phụ tùng ô tô và Nhà máy Diesel. Đây chính là nền tảng để thành phố được xác định là trung tâm công nghiệp lớn, là đô thị bản lề, có vai trò trung chuyển kinh tế, có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn vùng. 

Đặc biệt là cho tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng kinh tế Thủ đô. 

Tăng trưởng kinh tế bình quân trên địa bàn 17%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, năm 2018 là 90,7 triệu đồng/người/năm (gấp 1,55 lần, so với cả nước là 58,5 triệu đồng/người/năm - 2018).

... Đến những thế mạnh nội lực

Trong thời gian qua, Thái Nguyên nói chung và Sông Công nói riêng đã trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư trên cả nước. Để làm được điều này, tỉnh đã chủ động tạo sự cạnh tranh lành mạnh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá các thủ tục đầu tư, triển khai chế độ một cửa, một cửa liên thông, đẩy nhanh các thủ tục pháp lý; khẩn trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng và sử dụng đất; thực hiện nghiêm túc các cam kết của tỉnh và thành phố trong việc giao đất, định giá đất dự án. 

Nguồn lao động tay nghề cao là nội lực của TP Sông Công

Ngoài cơ chế ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh đã linh hoạt xây dựng các cam kết riêng nhằm "trải thảm đỏ" đối với các nhà đầu tư như: Hỗ trợ đầu tư công trình ngoài hàng rào; đối với các công trình có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng, chính quyền sẽ phối hợp với nhà đầu tư trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt. 

Cam kết: Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; cung cấp đủ điện 24/24 giờ, đầu tư lưới điện đến tận chân hàng rào dự án; hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng... 

Sự cầu thị của tỉnh còn thể hiện ở việc thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp.

Nhờ đó, hoạt động thu hút các nhà đầu tư tại Thái Nguyên và Sông Công đã có những thay đổi đáng kể. Tại 2 khu công nghiệp tập trung của tỉnh là Sông Công I, Sông Công II và 4 cụm công nghiệp nhỏ vừa Khuynh Thạch, Nguyên Gon, Bá Xuyên, Lương Sơn đều có tỉ lệ lấp đầy khả quan. Số doanh nghiệp gia tăng đáng kể. Năm 2015 chỉ 268 doanh nghiệp, đến năm 2018 đã lên tới 450 doanh nghiệp, trong đó có 150 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng. 

Nguồn lao động tay nghề cao là nội lực giúp TP Sông Công phát triển

Với mục tiêu tập trung đẩy mạnh tiến trình đô thị hoá TP Sông Công theo Nghị quyết 04-NQ/TƯ ngày 2/8/2916 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên đề ra, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Sông Công đã nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong ba năm qua, địa phương đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tới rất gần vạch đích trở thành đô thị loại II vào năm 2020.

Đổi thay diện mạo Sông Công

Như đã nói ở trên, từ 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất các ngành kinh tế thành phố đều đạt 17%. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng tăng trưởng 18%, ngành thương mại dịch vụ tăng trưởng 20% và ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản đạt 6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp. 

Công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng đô thị cũng có nhiều khởi sắc. Với 3.900 tỷ đồng huy động từ các nguồn lực nhiều khu đô thị, dân cư được xây dựng hoàn thiện; hệ thống điện, nước, đường được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần thay đổi diện mạo đô thị Sông Công ngày một khang trang, văn minh, hiện đại hơn. 

TP Sông Công đang từng ngày thay da đổi thịt

Các nhà máy xí nghiệp cũ gây ô nhiễm, khu nghĩa trang, bãi tập kết rác thải,... đã được di rời ra khỏi thành phố. Các khu chức năng cũ tập trung ở ven các đường nội thị đều được chỉnh trang, sửa sang, cải tạo. Dọc các tuyến phố được trồng thêm nhiều cây xanh, vỉa hè được tôn tạo. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 28/32, chiếm 84,3%, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100%. Số hộ nghèo giảm còn 2,9%. 

Hoạt động văn hoá, văn nghệ và các công trình văn hoá, thiết chế văn hoá được quan tâm và xây mới như: Thư viện, nhà văn hoá trung tâm, nhà văn hoá công nhân, hội trường trung tâm văn hoá, quảng trường TP Sông Công, rạp chiếu bóng, rạp Mỏ Chè, trung tâm văn hoá thành phố... nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân. 

Theo ông Lê Văn Khôi - Chủ tịch UBND TP Sông Công: Trở thành đô thị loại II, thành phố sẽ có nhiều thuận lợi để triển khai tiếp các dự án lớn, xứng đáng là đô thị hạt nhân của Thái Nguyên, đi đầu trong đầu tư phát triển và quản lý đô thị, không ngừng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng,... Tiến tới mục tiêu: Xây dựng TP Sông Công trở thành thành phố văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá, hướng tới nền kinh tế tri thức và đô thị thông minh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, là một trong những địa phương đi đầu về sự thịnh vượng và chất lượng cuộc sống của người dân. 

Chinh phục mục tiêu trong tình hình mới không chỉ giúp Sông Công thêm năng động, sáng tạo và nhạy bén hơn; mà còn khẳng định được bản lĩnh của một thành phố có bề dày 34 năm xây dựng và phát triển. Sông Công ngày hôm nay đã sẵn sàng cho một vị thế mới.

Phương Thúy