Vẫn còn ý kiến khác nhau

Đó là việc chưa thực sự khách quan của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cùng Bộ Giao thông Vận tải khi không chọn phương án thiết kế có điểm thi cao nhất, mà lại đưa cả 3 phương án thiết kế có điểm số khác nhau, để sau đó chọn phương án thiết kế có điểm số thấp hơn để trình Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, một số nhà thiết kế cho rằng, trong điều kiện đất đai ngày càng chật hẹp, các sân bay lớn mới được xây dựng trên thế giới hầu hết được thực hiện theo các hình khối vuông vắn, thực dụng. Nếu xây dựng với đặc thù cong, vòm sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng, tăng độ phức tạp trong lắp đặt thiết bị, dẫn đến tăng chi phí của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Năm 2018, một số cơ quan báo chí, trong đó có Báo Thanh tra, đã phản ánh về câu chuyện lòng vòng trong chấm thi các phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng nhà ga hành khách Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau khi báo chí lên tiếng, nhiều bạn đọc đã chia sẻ thêm những băn khoăn về sự phức tạp trong kiến trúc sẽ đẩy giá thành xây dựng lên cao, đồng thời ảnh hưởng đến công năng sử dụng. Hay như cách nói của Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc VietnamAirlines, sân bay ở các nước phát triển, kể cả ở châu Âu hay châu Á, đều thiết kế bên ngoài rất đơn giản. Nếu quá chú trọng vào hình thức bên ngoài sẽ phát sinh chi phí không cần thiết tại công trình này.

Theo quy hoạch, thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách cho giai đoạn 1 của dự án có quy mô đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm, có tổng diện tích sàn khoảng 400.000m2. Nhà ga đảm bảo các tiện ích đáp ứng nhu cầu của hành khách đạt tiêu chuẩn mức độ dịch vụ tương đương với các sân bay hàng đầu thế giới, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.

Thiết kế tổng thể nhà ga đảm bảo đủ diện tích kết nối hoàn chỉnh với sân đỗ máy bay, sân đỗ ôtô, đường giao thông ra vào sân bay và các công trình lân cận; đảm bảo khai thác đồng bộ và đáp ứng công suất thiết kế của cảng hàng không theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Chờ đợi sự công tâm

Hồ sơ của sự việc này cho thấy, ngay từ năm 2016, khi ACV được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là chủ đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thì đơn vị này đã nhiều lần đề xuất được chỉ định thầu thiết kế kiến trúc nhà ga. Khi nhiều chuyên gia phản ứng cho rằng đây là cách làm không phù hợp, lúc này ACV mới phải tổ chức cuộc thi tuyển có tầm quốc tế về kiến trúc nhà ga.

Trên cơ sở 9 phương án thiết kế thi tuyển, qua nhiều vòng chấm thi, các thành viên chủ khảo đã chọn được phương án có điểm số xếp theo thứ tự nhất, nhì, ba. Trong đó phương án LT-07 (mô hình thiết kế lá dừa nước) của liên danh tư vấn Singapore - Việt Nam - Nhật Bản đứng thứ nhất, đứng thứ hai là phương án LT-03 (mô hình hoa sen) của tư vấn Heerim Architects & Planners Co.Ltd - Hàn Quốc, đứng thứ 3 là phương án LT-04 (sử dụng tre làm vật liệu chính) của liên danh tư vấn Nhật Bản - Pháp.

Phương án LT-07 của liên danh tư vấn Singapore - Việt Nam - Nhật Bản đạt điểm cao nhất, nhưng lại bị "đánh đồng" với 2 phương án thấp điểm hơn. Ảnh: NG

 

Lý do phương án LT-07 đạt điểm cao nhất của cuộc thi là thiết kế này lấy ý tưởng từ hình ảnh lá dừa nước áp dụng vào thiết kế phần mái công trình, bố cục không gian khu vực nhà ga đi thể hiện ý tưởng như những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam. Phương án thiết kế lệch tầng để phân chia các khu vực chức năng nhằm tạo không gian sinh động cho nhà ga, kết hợp việc sử dụng các mảng xanh, cảnh quan nội thất trong công trình.

Nếu đúng quy chế cuộc thi thì ACV phải báo cáo cho Bộ Giao thông Vận tải để trình Thủ tướng Chính phủ chọn phương án LT-07 (mô hình thiết kế lá dừa nước) của liên danh tư vấn Singapore - Việt Nam - Nhật Bản. Ngược lại, ACV đã chọn giải pháp là chấm giải nhất cho cả 3 phương án thiết kế vào thời điểm tháng 9/2017. Phương án chọn cả 3 này đã được ACV trình cho Bộ Giao thông Vận tải, dù về quy định thì ACV là chủ đầu tư phải quyết định chọn 1 trong 3 và chịu trách nhiệm đối với kết quả cuộc thi theo tiêu chí đã được công bố trên trường quốc tế. Hậu quả của việc chọn cả 3 phương án này đã làm cho tiến độ thẩm định, phê duyệt thiết kế nhà ga bị ảnh hưởng, phát sinh khiếu nại của liên danh tư vấn Singapore - Việt Nam - Nhật Bản.

Liên quan đến sự việc này, nhận định của nhiều chuyên gia hàng không đã cho rằng, để đáp ứng công suất phục vụ hành khách hàng năm giai đoạn 1 (theo số liệu của ACV là 25 triệu lượt), thì thiết kế nhà ga trung tâm cần bảo đảm tính hài hòa, cân đối, với diện tích sử dụng phù hợp. Nên chú ý về tính thực dụng của thiết kế thay vì quá nặng nề về hình khối, để sau đó phải chịu gánh nặng về bảo trì cho những phần thiết kế không phát huy tác dụng cho một sân bay lớn như Long Thành.

Ngoài ra, các yếu tố về khí hậu, thời tiết của khu vực miền Đông Nam Bộ cũng cần được quan tâm, chú ý trong thiết kế xây dựng tất cả các hạng mục nhà ga của sân bay. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cần thận trọng, tỉnh táo khi chọn lựa phương án thiết kết nhà ga sân bay Long Thành nhằm hạn chế hàng loạt phát sinh về công năng, giá trị thẩm mỹ lẫn hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, liên danh tư vấn Singapore - Việt Nam - Nhật Bản vẫn tiếp tục kiến nghị và mong chờ phương án giải quyết công tâm, khách quan của Thủ tướng Chính phủ về các bất thường đã xảy ra trong việc lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng nhà ga hành khách Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngọc Giang