Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 9/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề cập đến công tác xử lý ô nhiễm các hồ và sông Tô Lịch.

Nước sông Tô Lịch “đứng” sẽ làm sạch được như các hồ

“Với công nghệ mới, chúng ta đã xử lý rất hiệu quả tình trạng ô nhiễm ở các ao hồ. Nếu chất này (chế phầm Redoxy3C) đưa xuống sông Tô Lịch mà nước “đứng” thì xử lý được như các hồ ngay”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Ông Chung cho biết, vấn đề hiện nay của sông Tô Lịch vẫn là dòng chảy, cho nên TP đang áp dụng các công nghệ thí điểm làm sạch. Trước mắt TP Hà Nội sẽ cố gắng làm cho con sông này hết mùi.

Hiện nay, TP Hà Nội đang thí điểm 2 công nghệ làm sạch nguồn nước sông Tô Lịch (Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức). Sau hơn 2 tháng thí điểm, bước đầu công nghệ trên cho kết quả khả quan, trong đó nước đã giảm mùi hôi, hàm lượng oxy trong nước cũng tăng lên.

Song theo các chuyên gia, 2 bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông. Cho nên, để giải quyết triệt để ô nhiễm thì phải tách nguồn nước thải ra khỏi dòng sông Tô Lịch.

Vấn đề là, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khởi công từ tháng 10/2016 (bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la, đến nay gần như… giậm chân.

“Vấn đề tiếp theo, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Khi nhà máy hoàn thành, một phần nước thải của Đống Đa, Cấu Giấy, Hai Bà Trưng… được thu gom, xử lý”, ông Chung cho hay.

Theo báo cáo, từ tháng 9/2016 đến nay, TP đã xử lý được 90 hồ nội thành và 44 hồ ngoại thành bằng chế phẩm Redoxy-3C; lắp đặt bè thủy sinh trên 63 hồ; máy sục khí trên 52 hồ và nạo vét bùn 10 hồ.

6 tháng đầu năm 2019, TP duy trì chất lượng nước bằng chế phẩm Redoxy3C đối với 97 hồ; lắp đặt mới 49 bè thủy sinh trên 3 hồ và lắp đặt mới 20 máy sục khí trên 5 hồ. 

Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước các hồ sau xử lý, duy trì cơ bản đạt Quy chuẩn quốc gia về nước mặt. Về cảm quan nước hồ trong hơn và không còn mùi khó chịu ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Khó cấp “sổ đỏ” chung cư HH Linh Đàm

 Về khu chung cư HH Linh Đàm, Chủ tịch Chung cho biết, đây một trong những chung cư xây dựng vượt quá so với quy hoạch. Cho nên, nhiều năm qua, các hộ dân ở đây chưa làm được “sổ đỏ”. 

“Hiện nay, người dân ở đây mong mỏi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi thấy đây là vấn đề khó”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói. 

Theo ông Chung, TP đang thực hiện yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, đoàn giám sát Quốc hội yêu cầu, chủ đầu tư chung tư HH Linh Đàm lắp thêm thang máy, lắp thêm hệ thống phòng cháy, chữa cháy. 

Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội

Cũng tại phiên chất vấn, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, từ năm 2016 đến nay, Công an TP đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp vi phạm về phòng cháy, chữa cháy với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Đồng thời, cung cấp cho đại biểu danh sách 5 công trình đã chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội để đánh giá, cân nhắc về chứng cứ có đủ để khởi tố vụ án hình sự hay không. 

Đó là, 5 tòa chung cư CT4, CT5a-b, CT6, CT1 (Khu đô thị Văn Khê, La Khê, Hà Đông); tòa nhà CT3a (Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm); tòa nhà nhiều hộ gia đình 76 Cự Lộc (Thượng Đình, Thanh Xuân); Chung cư 89 Phùng Hưng… 

“Các công trình này có sai phạm rất nghiêm trọng. Nhiều công trình chúng tôi thấy không thể khắc phục hệ thống phòng cháy, chữa cháy được nên phải chuyển sang Viện Kiểm sát. Cái này, chúng tôi còn đang đánh giá chứng cứ chứ chưa hẳn chuyển sang là chúng ta khởi tố ngay”, ông Khương cho hay. 

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý, công tác phòng cháy, chữa cháy là một trong những nội dung không chỉ người dân mà Thành ủy, HĐND TP rất quan tâm, nhiều lần chất vấn. 

Theo bà Ngọc, so với lần chất vấn trước, công tác phòng cháy, chữa cháy đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, cần tiếp tục tăng kiểm tra xử lý khắc phục tồn tại, không để phát sinh mới.

Hương Giang