Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026. Cạnh đó, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và quyết định các kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công, hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

GDP phụ thuộc lớn vào khả năng khống chế COVID-19

Báo cáo kinh tế - xã hội Chính phủ gửi đến Quốc hội cho thấy, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm khoảng 5,64%, thấp hơn 0,58 điểm % so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và thấp hơn 0,28 điểm % so với mục tiêu kịch bản tăng trưởng của Chính phủ cập nhật tại thời điểm quý I.

Theo đánh giá của Chính phủ, đây là “kết quả đáng ghi nhận” trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nặng nề đến nền kinh tế.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 6-6,5%, Chính phủ đã thảo luận, xác định cụ thể mục tiêu tăng trưởng quý III và quý IV. 2 kịch bản tăng trưởng đã được đưa ra.

Để tăng trưởng GDP đạt 6,0% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP) thì quý III phải phấn đấu tăng 6,2% (thấp hơn 0,5 điểm %); quý IV tăng 6,5% (thấp hơn 0,2 điểm %).

Còn để tăng trưởng GDP đạt 6,5% theo Nghị quyết số 01/NQ-CP thì quý III phải phấn đấu tăng 7% (cao hơn 0,3 điểm %); quý IV tăng 7,5% (cao hơn 0,8 điểm %).

“Cả 2 mục tiêu phấn đấu trên phụ thuộc lớn vào khả năng khống chế dịch COVID-19 trên phạm vi cả nước, trong đó đặc biệt tại các tỉnh, TP trọng điểm về kinh tế, các khu công nghiệp, khu kinh tế”, báo cáo Chính phủ nhận định.

leftcenterrightdel
 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho hay, tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), khi Quốc hội khoá XIV giao Chính phủ mục tiêu GDP năm 2021 tăng trưởng 6% đã đánh giá tổng thể và lường trước các tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế.

Theo ông Sơn, với những kết quả Chính phủ báo cáo, nhiều chỉ tiêu được Uỷ ban Kinh tế đánh giá là “rất khả quan”. “Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV sẽ chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà giao Chính phủ phấn đấu để đạt kết quả cao nhất”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế thông tin.

CPI tăng 1,47%, thu ngân sách lớn hơn chi

So với cùng kỳ năm 2020, bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47%; lạm phát cơ bản tăng 0,87%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; tín dụng phục hồi; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm.

Đáng chú ý, tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông cần tăng cường quản lý rủi ro vẫn trong tầm kiểm soát. Tính đến cuối tháng 4/2021, lĩnh vực bất động sản tăng 4,83% - cao hơn mức tăng tín dụng chung nền kinh tế, còn tín dụng lĩnh vực BOT, BT giao thông tiếp tục giảm (0,83%).

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 781 nghìn tỷ đồng; tổng chi ước đạt 694,41 nghìn tỷ đồng. “Về tổng thể cân đối ngân sách 6 tháng đầu năm có thặng dư, thu lớn hơn chi, trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng”, báo cáo Chính phủ nêu.

leftcenterrightdel
 

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vốn đầu tư chưa đạt mức trước khi có dịch COVID-19 (năm 2018 tăng 9,8% và năm 2019 tăng 9,7%).

Đặc biệt, vốn đầu tư thực hiện của khu vực ngoài nhà nước (hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp) chỉ tăng 7,4%, bằng khoảng một nửa mức tăng cùng kỳ của năm 2018 (13,7%) và năm 2019 (15%) cho thấy tình hình còn nhiều khó khăn. Báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra con số, 6 tháng qua, có khoảng 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm tiếp tục được đề cập. Theo Chính phủ, đến hết tháng 6, ước giải ngân được hơn 133.890 tỷ đồng, đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (33,04%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng

Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao, Chính phủ khẳng định, tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa kiên trì kiềm chế đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả dịch COVID -19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh; chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19; có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Chính phủ cũng tiết giảm tối đa chi thường xuyên, đẩy mạnh thu ngân sách ở tất cả các tỉnh, TP, nhất là từ các nguồn thu bền vững, ổn định; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA; kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Ngoài ra, sẽ nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp; theo dõi sát diễn biến giá cả để phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xử lý các vấn đề tồn đọng, như ngân hàng 0 đồng, các dự án yếu kém ngành công thương…

Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ để thoát khỏi đại dịch

Chiến lược vaccine của nước ta còn gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng vaccine còn thấp; nguy cơ có thể lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.

Tính đến ngày 28/6/2021, cả nước đã tiêm được 3.519.793 liều vaccine, trong đó có 3.145.911 người đã được tiêm 1 liều và 186.941 người tiêm đủ 2 liều.

Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine phòng COVID -19, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% trong thời gian sớm nhất, tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. “Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược, quyết định và cần duy trì hằng năm để thoát khỏi đại dịch”, Chính phủ nêu. 

 

Dành khoảng 3 ngày để kiện toàn nhân sự nhiệm kỳ mới

Quốc hội khoá XV sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để bầu và phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo Tổng thư ký Quốc hội, nhân sự được giới thiệu vào các chức danh này phần lớn là tái cử.

Khối Quốc hội có 18 chức danh gồm: Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội, 9 Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Trưởng Ban Dân nguyện, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.

Trong khối Quốc hội, có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng 3 Phó Chủ tịch: Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải vừa được kiện toàn tại Kỳ họp 11 (Quốc hội khoá XIV) tháng 4 vừa qua.

Ngoài ra, còn có 5 nhân sự khác cũng vừa được kiện toàn gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh; Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà và Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Khối Chủ tịch nước có 2 chức danh: Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước. Cả 2 chức danh này hiện là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, mới được Quốc hội khóa XIV kiện toàn.

Khối Chính phủ có 27 chức danh. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, trước mắt sẽ kiện toàn: Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 18 bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Như vậy, ở khối Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ giảm 1 Phó Thủ tướng so với hiện nay.

Trong đợt kiện toàn nhân sự tháng 4, Quốc hội khoá XIV đã bầu và phê chuẩn 15 thành viên Chính phủ gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng 12 bộ trưởng, trưởng ngành.

Đó là, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Ba chức danh còn lại cũng được Quốc hội kiện toàn trong kỳ họp này là Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội. 

Hương Giang